Wednesday, January 18, 2012

Bóng Dáng Một Không Quân

Qua Gương Soi Chữ Nghĩa (*)

          Sau khi ra mắt sách tạp ghi Lý Lịch Dọc Ngang Của Thảo vào năm 2003 cho đến nay, tôi không còn hứng để viết Không Quân Ngoại Truyện (KQNT) được nữa. Không hẳn đã hết đề tài mà cái kiểu lần lữa như là...khất nợ vậy! Mà nếu là nợ thì trước sau gì cũng phải trả. Nếu mình không trả được thì biết đâu, trong đồng đội cũng có người đồng điệu, sẽ trả món nợ thay cho mình, sao cho xứng hợp với câu “hào hoa nhất lính không quân”...

          Món nợ KQNT âm ỉ bấy nay tôi muốn trả là các hiệp sĩ không gian, các nữ quân nhân KQ và các bà vợ KQ mà tôi biết, đã ít nhiều làm rạng danh Quân chủng, như KQ Nguyễn Quí Chấn, bà Trung Tá Hạnh Nhơn, các chị Tường Mực, Nhã Dung v.v....

          Ngày nay nói đến Trung Tá Hạnh Nhơn thì ai cũng biết công tác xã hội rất ý nghĩa của bà qua 5 lần “Đại nhạc hội Cám Ơn Anh, Người Thương Binh QLVNCH”. Còn chị Tường, phu nhân cố Đại Tá Nguyễn Văn Tường mỹ danh “Tường Mực”, Tư Lệnh Phó SĐ3KQ, là người từng đảm nhận Ủy viên Xã Hội nhiều năm trong BCH Hội AHKQ Miền Trung Cali,  chị Nhã Dung, phu nhân Thiếu Tá Vũ Ngô Dũng “đầu bạc”, cựu Hội Trưởng Hội AHKQ Bắc Cali hai  nhiệm kỳ liền, là người lái phi công F5 nhuần nhuyễn và là cây bút Tạp Ghi xuất sắc, đã giúp chồng đắc lực trong việc tuyển chọn bài vở và phát hành Đặc San Không Quân  Bắc Cali (ĐSKQ-BC) đều đặn bốn năm liền.

          Tôi đang thu nhặt chất liệu cho món nợ vô hình và mong sớm gặp thuận duyên để trang trải những gì còn đang trong dự tính.... 

          Tuy nhiên, món nợ KQNT mà tôi ấp ủ gần hai thập niên vẫn là...KQ Nguyễn Quí Chấn. (KQ NQC - Quí với chữ  i”  mặc quần sọrt rất gọn nhẹ chứ không phải chữ “y” mặc quần dài nghiêm chỉnh đâu).

          Lần đầu tiên chúng tôi gặp KQ NQC, Trưởng ban tổ chức Đại Hội Không Quân Hải Ngoại tháng 10 năm 1992 tại San Jose vì anh đã nhân danh Hội gởi tặng tôi một vé máy bay mời tham dự Đại Hội sau 17 năm lạc đàn và sau một tháng đặt chân lên thành phố Saint Louis tiểu bang Missouri. (1)

          Rồi qua tin tức trên Đặc San, chúng tôi được biết Hội AHKQ Bắc Cali vẫn thường tìm mọi cách gởi chút ân tình về trợ giúp các đồng đội đang xơ xác ở quê nhà và  lập hồ sơ bảo lảnh không quân Nguyễn Quý An qua Mỹ định cư, thì cái tên Nguyễn Quí Chấn không còn xa lạ đối với chúng tôi nữa.

          Ý muốn viết KQNT của tôi càng thôi thúc nhân chuyến du hành bằng đường bộ do 4 thành viên trong Hội AHKQ-BC thực hiện để gây quỹ pháp lý hổ trợ Cơ quan LAVAS có điều kiện tranh đấu cho đồng bào thuyền nhân trong các trại tỵ nạn được tái cứu xét định cư. Phái đoàn ghé thăm “Nhóm Không Gian Thân Tình” tại thành phố Saint Louis, (mà chúng tôi là Trưởng Nhóm), đã mang đến cho chúng tôi niềm hãnh diện với đồng hương tại địa phương và lòng cảm phục tâm huyết của phái đoàn, trong đó có KQ Hội Trưởng Nguyễn Quí Chấn.

          Mọi việc xảy ra trên đời đều tùy thuộc vào cơ duyên. Cơ duyên thường rất đỗi tình cờ. Tình cơ như khi tôi đọc lại tuyển tập “Không Quân Ngoại Truyện - Mùa Thu Năm 2003”, qua bài viết “Tuổi Ấu Thơ 1939-1951” (TAT) của tác giả Nguyễn Quí Chấn, thì ý định viết KQNT không còn âm ỉ nữa mà đã biến thành...hành động cụ thể. Chúng tôi bắt đầu lục lại chồng ĐSKQ cũ, như thể “đập vỡ kính ra tìm lấy bóng”.

          Khi đã thu thập được chút tài liệu và cơn hứng nỗi lên thì chúng tôi lao đầu vào mà viết...

          Một
    Sơ Yếu Lý Lịch

          KQ Nguyễn Quí Chấn (NQC), xuất thân trong một gia đình được gọi là khá giả ở miền Bắc. Ông cụ là nhà giáo, bà cụ là con ông chủ đồn điền giàu sang, lại hấp thụ tây học. Ông bà  hạ sinh 3 cô con gái liền tù tì hai năm một, bèn đi cầu tự, xin Trời Phật cho một thằng cu để nối dõi tông đường. Không ngờ, người con thứ tư chào đời vẫn cứ là... con gái! Năm sau, năm 1939, cậu quý tử Quí Chấn chào đời không phải do cầu tự, cho nên cậu nói “tôi sinh ra không phải con Trời, chẳng phải con Phật  mà chỉ là con...trai” (TAT, trang 218). Con trai ở đây là thằng cu, là đàn ông, chứ không phải con trai cùng họ hàng với những con sò con nghêu con ốc con hến đâu!. Đây quả là một biến cố trọng đại trong gia đình làm cho song thân của cậu út quá đỗi vui mừng bèn tổ chức đại tiệc có cả “nhảy đầm suốt đêm” để chia sẻ nỗi hân hoan cho cả mấy trăm người tham dự. (TAT, trang 218)

          Không lâu sau đó, đệ nhị thế chiến bùng nỗ. Chiến tranh như trận cuồng phong cuốn hút cả dân tộc Việt Nam vào cơn giông tố của lịch sử, trong đó có gia đình cậu ấm Quí Chấn. Tuổi thơ của cậu (1939-1945) đã giăng mắc biết bao ký ức về “chạy loạn” (TAT, trang 221) từ  Hà Nội đến Phú Thọ, đến Vĩnh Yên rồi trở về Hà Nội bán hết nhà cửa cơ nghiệp dọn lên Tam Đảo để tránh bom đạn chiến tranh. Rồi lại về Hà Nội sinh sống.

          Trong giai đoạn hỗn loạn giữa Việt Minh, Việt Nam Quốc Dân Đãng, Pháp, Nhựt, Tàu, mạng sống của người dân quả thật đầy bất trắc. Một biến cố không kém phần trọng đại vào năm 1951, lúc đó cậu út Quí Chấn đã lên 12,  gia đình cậu từ biệt Hà Nội bay lên Đà Lạt định cư, vì ông cụ được bổ nhiệm dạy học trên đó, và đó cũng là ước muốn của ông bà muốn che chở các con trước bao hiểm nguy của cuộc chiến trong đó có cả nỗi lo sợ bị Việt Minh hãm hại. “...bố mẹ tôi được người bạn ở Sở Công An Cảnh Sát (ông K và ông N ĐT) cho biết là Việt Minh đã có kế hoạch thủ tiêu bố mẹ tôi”. (TAT, trang 237).

          Tại Đà Lạt, cậu Quí Chấn theo học trường Tây, trường Yersin. Về Sàigon cậu học Trung học Jean Jacques Rousseau. Sau khi tốt nghiệp Cử nhân Giáo khoa Triết tại Sàigon, NQC gia nhập Không Quân Việt Nam Cộng Hòa năm 1962 (KQ VNCH) dù thầy đang là Giáo sư dạy Pháp văn tại các trường nỗi tiếng ở Sàigon bấy giờ, trong đó có trường nữ Trung Học Marie Curie. (Bất ngờ giả từ phấn trắng bảng đen và đám học trò như quỷ, chả lẽ không có những giọt lệ âm thầm vấn vương nhỏ xuống cho ông thầy trẻ tuổi đẹp giai Quí Chấn sao ta?)

          Sau tháng 4/1975, KQ NQC đi tù. Gia đình anh cũng lênh đênh theo vận nước, cố vùng vẫy thoát khỏi chế độ hà khắc tham tàn. Cuối cùng, những người còn lại trong gia đình cũng tới bến bờ tự do. Sau 6 năm lao nhục, Quí Chấn ra tù vào năm 1981 và tìm mọi cách để đoàn tụ với những người thân yêu còn lại vào năm 1986 tại Lausanne, Thụy Sĩ, là thành phố núi thứ ba mà gia đình anh đã lánh nạn. Hai thành phố núi trước kia là Tam Đảo (năm 1945,  để tránh bom đạn Mỹ & Đồng Minh)  và Đà Lạt (năm 1951, để tránh Việt Minh khủng bố). (TAT, trang 215)

          Chưa đầy một năm sau, năm 1987, theo tiếng gọi cháy bỏng ruột gan của bầy chim bỏ xứ đang họp đàn tại Mỹ quốc, KQ NQC tung cánh để tìm một tổ ấm bay về, và anh đã tìm được tổ ấm tại San Jose từ năm 1987 cho đến hiện nay.


          Hai
          Nghiệp Bay Thay Nghiệp Giáo

          Phải Là Thân Chim thì mới khắc khỏai tiếng chim gọi đàn. Ngay từ ấu thời, “thời Việt Minh”, cậu bé Nguyễn Quí Chấn đã chứng kiến bao cảnh loạn lạc chết chóc chia lìa của bom đạn chiến tranh. Một trong những hình ảnh ăn sâu trong trí tưởng của cậu bé 6 tuổi là “một máy bay thả dù xuống một người và một kiện hàng(TAT, trang 225). Sau nầy Bố Mẹ cậu cho biết đó là một người Mỹ đang tìm đường liên lạc với Việt Minh. “Nhưng đối với tôi, điều đáng ghi nhớ nhất là máy bay không những thả dù người mà còn thả dù thêm một chiếc xe jeep để làm phương tiện di chuyển!”. Cậu Út Quí Chấn thổ lộ: “Tôi không biết tôi bắt đầu “mê” Không Quân từ ngày đó, hay là từ ngày tôi được cùng với mẹ tôi đáp máy bay đi từ Hà Nội xuống Hải Phòng”. (TAT, trang 225).

          với cách nào đi nữa cũng thể hiện khát vọng bay bổng sâu kín trong lòng, và hình ảnh chiếc phi cơ đã in sâu trong tâm tưởng cậu bé 6 tuổi cho đến khi trưởng thành. Đang là Giáo sư Pháp văn vào đầu thập niên 1960, cuộc sống ổn định và đầy hứa hẹn, bỗng thầy Nguyễn Quí Chấn từ giã nghiệp giáo để chọn nghiệp bay. Thầy quyết định gia nhập KQ Việt Nam Công Hòa (VNCH) vào năm 1962, giấc mơ thành sự thực và nghiệp bay đã bám sát đời KQ NQC từ đó cho đến nay.

          Năm 1963, Sinh Viên Sĩ Quan KQ (SVSQ) Nguyễn Quí Chấn du học Hoa Kỳ. Anh là một trong số ít SVSQ học bay trên hai loại phi cơ, là Khu trục  T-28 một động cơ và Vận tải C-47 hai động cơ. Mãn khóa tháng 7 năm 1964 với chứng chỉ tốt nghiệpoutstanding”. (ĐSKQ Bắc Cali, Chào Mừng Đại Hội Khu Truc, 06/2011, trang 101, 104, 116). Có thể dịch outstanding như là ngoại hạng, cũng giống như thủ khoa chứ chẳng phải bình thường đâu nhá!

          Để  đáp ứng nhu cầu của chiến trường ngày một leo thang khốc liệt, Quân Đội nói chung và Không Quân nói riêng cũng tăng trưởng theo, nên vào năm 1971, KQ Chấn lại du học Hoa Kỳ để theo học một khóa xuyên huấn trên phi cơ vận tải C-123 vừa được Hoa Kỳ viện trợ cho Không Lực VNCH.

          Kể ra, KQ VNCH rất ưu đãi những KQ tài năng trong đó có phi công Nguyễn Quí Chấn. Vì mang hai chỉ số bay, nên đúng như sự mong muốn, KQ NQC đã được phục vụ trong Ngành Khu Trục (Biệt Đoàn 83 Khu Trục, P Đ 520, 518 và 522), Ngành Vận Tải (các Phi Đoàn 817, 421 và 425) và Phòng Sở Tham Mưu (Phòng An Phi KĐ53CT, Phòng Phụ Tá An Phi Sư Đoàn 5 KQ)

          Tính ra, KQ NQC phục vụ Quân Chủng trên một thập niên. Sau tháng 04/1975, anh cùng chung số phận “cải tạo” với đa số đồng đội anh em.

                 
    Ba
          Tổ Ấm Bay Về   

          Đã Biết Bản Chất dã man của Việt Minh ngay từ tuổi ấu thơ, đã nếm đòn  thù nham hiểm của Xã Hội Chủ Nghĩa trong các trại tù cải tạo nên ngày nay, KQ NQC mong muốn tiếp tục cống hiến những ngày cuối đời mình vì “mục tiêu chung” (2) của những cánh chim Tự Do bỏ xứ.

          Ngày nay, phi cơ bom đạn không còn nhưng lý tưởng bảo quốc an dân vẫn âm ỉ trong lòng người phi công chiến đấu Nguyễn Quí Chấn năm nào.... và anh mong muốn góp phần mình vào công cuộc xoa dịu nổi đau của đồng đội ở quê nhà và đồng bào trong các trại tị nạn đang thoi thóp trông chờ được đi định cư. Từ mong ước đó, KQ Nguyễn Quí Chấn gia nhập Hội Ái Hữu Không Quân Bắc Cali (AHKQ-BC) kể từ khi anh đến thung lũng hoa vàng San Jose, 1987.

          Năm 1990, Nguyễn Quí Chấn đắc cử Hội trưởng Hội AHKQ Bắc Cali, và anh đã giữ trách vụ Hội trưởng 4 nhiệm kỳ trong 8 năm. Đây là cơ hội để anh thực hiện “tâm huyết” của mình:
          1- biến Hội Ái Hữu thành một tổ ấm;
          2- hổ trợ đồng bào đồng đội tại quê nhà hoặc trong các trại tị nạn;
          3- cùng nhau nói lên sự thực cuộc chiến đấu vì lý tưởng quốc gia của QLVNCH đã bị đồng minh và kẻ thù xuyên tạc, qua đó cần phải cố gắng phát hành  một Đặc San để làm phương tiện truyền thông.
          4- nâng niu tuổi trẻ và quan tâm thế hệ nối tiếp.

          Thử điểm qua những thành tựu cũng như những sự kiện nỗi bật xuyên qua những mục tiêu ấp ủ mà Hội trưởng NQC đã thực hiện qua các nhiệm kỳ của anh xem sao.


@Nhiệm kỳ 1990-1992 và 1992-1994
Đặc San Không Quân & Yểm Trợ LAVAS (3)

          Trong hai nhiệm kỳ liên tiếp 4 năm, Hội trưởng Nguyễn Quí Chấn đã hoạch định “mục tiêu” hoạt động của Hội, cụ thể là:

        1- Tổ chức Đại Hội Không Quân Hải Ngoại tháng 10 năm 1992 tại San Jose để bầu Tổng Hội Trưởng KLVNCH nhiệm kỳ 1992-1994 mà cá nhân chúng tôi lần đầu tiên được mời tham dự sau 01 tháng đặt chân đến Mỹ. (1)

        2- Vận động cứu giúp đồng bào và đồng đội đang trông chờ cứu xét trong các trại tị nạn, cụ thể là chuyến đi 17 ngày xuyên qua 28 Tiểu bang, ghé thăm 14 thành phố trong tháng 9 năm 1993 để vận động gây quỹ tiếp tay với cơ quan LAVAS có đủ tiền đài thọ luật sư tranh đấu cho đồng bào thuyền nhân trong các trại tị nạn sớm được định cư tại các nước tự do (4).
       
        Lý do thôi thúc KQ Nguyễn Quí Chấn dấn thân vào công việc khó khăn nầy được thể hiện qua câu trả lời trong một bài phỏng vấn: (…) “vào thời điểm đó – đầu thập niên 90, thế giới đã mệt mỏi với vấn đề tỵ nạn (....). Hội AHKQ Bắc Cali cùng với một số Hội đoàn Quốc gia, một số tổ chức thiện nguyện đã vận động đấu tranh bênh vực và cứu vớt người tị nạn. Một tờ báo trở nên hết sức cần thiết, (…), trên phương diện nào đó, là phản ánh nỗi quan tâm, lòng thương xót của toàn thể người Việt Hải ngoại- trong đó có người linh Không Quân- đối với đồng bào đang kẹt ở các trại tỵ nạn Đông Nam Á và Hồng Kông.” (ĐSKQ 04-2006. Thay Cho Lá Thư Tòa Soạn) 

         3- Tháng 10 năm 1990, “Đặc San Không Quân Bắc Cali” (ĐSKQ-BC) lần đầu tiên ra đời đã được đồng đội không quân và thân hữu chào đón nồng nàn. Đặc San có vóc dáng trang nhả nhỏ gọn “có thể giữ lại được, bỏ vào tủ sách gia đình. Ngoài ra, đối với Đặc San, đở phải lo hình bìa mỗi lần phát hành”. (Thay Cho Lá Thư Tòa Soạn, ĐSKQ Bắc Cali, tháng 4, 2006, trang 07).

          Ngay cái tên gọi “ĐSKQ” cũng mang một ý nghĩa hết sức toàn diện, hết sức thuyết phục, hết sức Quân chủng. KQ NQC cho biết lý do lấy tên “Đặc San”: “Anh em thấy rằng thường nói đến KQ là nói đến “pilot”, nói đến bay bổng, và quên đi một phần rất quan trọng của Quân chủng: bao nhiêu những ngành nghề khác không-phi-hành của KQ (…). Đặt một cái tên “Trăng Sao, Trời Mây” gì đó thì vô tình như muốn gạt bỏ anh em không phi hành ra ngoài. Còn hai chữ Không Quân thì nó bao gồm tất cả: phi-hành, không-phi-hành, lính, quan...” .(ĐSKQ 04-2006. Thay Cho Lá Thư Tòa Soạn).

          Nội dung của ĐSKQ phong phú và bổ ích. Đặc San không có đất cho sư bôi nhọ, chụp mũ và gây chia rẽ trong nội bộ không quân. KQ Nguyễn Quí Chấn là cha đẻ của ĐSKQ Bắc Cali. Anh quan niệm: “Nếu Hội là mái nhà ấm cúng thì Đặc San là mãnh vườn bé nhỏ để muôn ngàn bông hoa đua nở hương sắc (…). Đây là nơi mà tâm sự người không quân cũng như những người bạn không quân gửi gấm đến nhau”.  (Lá Thư Hội Trưởng, ĐSKQ, 09-2005)

          ĐSKQ-BC là một loại vũ khí còn lại (hay còn gọi là vũ khí mềm theo nhà thơ KQ Cung Trầm Tưởng) của tập thể KQ Hải Ngoại, khả dụng trên mặt trận dư luận truyền thông và báo chí.


@Nhiệm kỳ 1998-2000
Kế Hoạch Chim Non, Tái Phát Hành ĐSKQ

          Từ 1994 đến 1998, Hội AHKQ Bắc Cali được điều hành bởi hai Hội trưởng Nguyễn Quý An và Vũ Ngô Khánh Truật. KQ Nguyễn Quý An được định cư tại San Jose năm 1994, một phần cũng nhờ sự vận động Hội AHKQ Bắc Cali nói chung và KQ Nguyễn Quí Chấn nói riêng. (5)

          Có người tưởng lầm rằng Nguyễn Quí Chấn và Nguyễn Quý An là bà con, nhưng không phải vậy. Vào năm 1961-1962, trong khi Nguyễn Quí Chấn là giáo sư Pháp Văn tại Trường Trung Học Chu Văn An Sàigon thì Nguyễn Quý An là học sinh tại trường nầy. Hai người không hề gặp nhau mặc dù đều phục vụ tại Biệt Đoàn 83, nhưng KQ NQC thì bên Khu Trục đồn trú tại Sàigon và KQ NQA thì bên Trực Thăng đồn trú tại Đà Nẵng.

          Được biết KQ An bị thương mất cả hai cánh tay, phải giải ngủ 10/1974. Sau 30/04/75, anh đi tù 9 tuần lễ vì thương tật, nên không đủ điều kiện đi HO. Bạn bè ở Mỹ tìm cách giúp đở anh và câu chuyện KQ An đến tai KQ Chấn. KQ  Chấn  liên lạc được ông Noboru Masuoka, cựu Đại Tá Không Quân Mỹ gốc Nhật. Qua nhiệt tình của ông Noboru Masuoka, và của nhiều chiến hữu,  thân hữu và các quan chức khác, cuối cùng, KQ An được định cư Mỹ ngày 15-01-1994, theo diện PIP (5). (Xin đọc ĐSKQ, 06-1994, KQ Nguyễn Quý An, tác giã Tạ Thượng Tứ, trang 125 để biết rõ tình nghĩa không quân diệu kỳ nầy).

          ĐSKQ Bắc Cali không thấy phát hành trong nhiệm kỳ của Hội trưởng Nguyễn Quý An (1994-1996), có thể do anh mới qua còn lạ nước lạ cái và nhiệm kỳ Hội trưởng Vũ Ngô Khánh Truật (1996-1998), có thể do Hội không có nhu cầu nên chỉ phát hành Bản Tin KQ mà thôi. (Theo thiển ý cá nhân).

          Tháng 4/1998, chúng tôi tham dự buổi họp khoáng đại bầu Tân Hội Trưởng nhiệm kỳ 1998-2000 với tư cách hội viên (6). KQ Nguyễn Quí Chấn lại được Đại Hội tín nhiệm với đa số tuyệt đối. Trong Đại Hội, Niên Trưởng (NT) Nguyễn Hồng Tuyền đưa ý kiến là có nên cấp “học bỗng” cho các con em của Không Quân ở quê nhà đang gặp khó khăn về tài chánh trong việc học? Ý kiến sau đó biến thành “Kế Hoạch Chim Non” và được Đai Hội xem là một trong hai mục tiêu của Hội Ái Hữu. Mục tiêu thứ hai là “tái phát hành ĐSKQ Bắc Cali”.

          Chúng tôi nhận trách nhiệm giới thiệu một KQ tin cậy ở Sàigon để giúp thực hiện kế hoạch là tìm học sinh nghèo và trao học bỗng cho họ. Thiếu Tá Lư Thái Hưng, nguyên Phụ tá An Phi Sư Đoàn 6 KQ Pleiku, vui vẻ nhận lời. Chúng tôi giới thiệu KQ Hưng với cố KQ Trần Văn Toàn, người được Hội đề cử phụ trách Kế Hoạch Chim Non, để hai bên tiện việc liên lạc với nhau. 

          Kế hoạch đang xúc tiến thì một tin không vui đưa đến: “KQ Lư Thái Hưng đang bị công an Bình Thạnh điều tra về vụ “nhận tiền đế quốc Mỹ để phân phối cho không quân Ngụy tại Sàigon và vùng phụ cận”. “Tiền đế quốc” là tiền của Nhóm Không Gian Thân Tình do KQ Trần Dật đại diện ở Cali quyên góp và gởi về giúp các KQ khốn khó ở quê nhà.

          Dù “Kế Hoạch Chim Non” không thành nhưng kế hoạch đó đã nói lên  mục tiêu cao cả mang tính đùm bọc Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè của những người Không Quân có tấm lòng tại San Jose.

          Rất nhiều HO và những người vượt biên vượt biển liên tục nhập cư vào Mỹ trong giai đoạn nầy, đã góp khí thế đấu tranh chống độc tài cộng sản vốn sôi nổi lại càng thêm rầm rộ ở thung lũng Điện Tử San Jose. 

          Cùng một mục tiêu, nhưng hình thành hai khuynh hướng sinh hoạt là...ái hữu và...lực lượng tranh đấu, từ đó nẫy sinh lục đục và gây phân hóa trong cộng đồng và cánh KQ cũng bị văng miểng!

          Với sự cổ vũ hỗ trợ của một vài cơ quan truyền thông và hội đoàn, một hội Không Quân lấy tên là “Lực Lương Chiến Sĩ Không Quân” (LLCSKQ) đã ra đời. Tổ chức nầy chỉ xuất hiện trong các sinh hoạt có sự tham dự của cơ quan truyền thông hoặc hội đoàn đã yểm trợ họ. “Theo Tuần báo Quê Hương số 189 phát hành ngày 14-12-1999, buổi lễ ra mắt (LLCSKQ) được tổ chức vào ngày 11-12-1999 tại Khu hội Cựu Tù Nhân Chính Trị San Jose, Cali”. (ĐSKQ, 02-2000, Trả Lời Thư Tín, trang 233). Sau đôi ba tháng, dường như không còn nghe thấy tổ chức nầy hoạt động nữa.

          Trước những rắc rối của cộng đồng và sự phân hóa của Liên Hội Cựu Chiến Sĩ và trước sự việc ĐSKQ ngưng phát hành mấy năm liền, đã đặt Hội trưởng NQC trước một một thử thách gai góc, không ít thì nhiều, đã giúp cho mấy sợi lưa thưa trên cái đầu vốn hói của anh có cơ hội nhiều sợi sầu rụng rơi...

          Là phi công khu trục lại mang cá tính của một ông giáo, nên NQC  lúc nào cũng điềm đạm bình tĩnh và cân nhắc trước mọi khó khăn. Có thể nói (không quá lời), KQ NQC là người có đầu óc lãnh đạo, biết suy luậnbiết tiên liệu, nhất là tiên liệu về đường lối sinh hoạt của một Hội Ái Hữu KQ. Tiên liệu đó hình thành từ 1994, còn hữu hiệu đến nhiệm kỳ Hội trưởng 1998-2000, trước bao rắm rối của Cộng Đồng: “và ngày nào cộng sản còn thống trị đất nước thì người cựu quân nhân tỵ nạn còn tự trọng, còn danh dự chưa thể “giả từ vũ khí”(...). Chọn con đường, phương hướng và hình thức đấu tranh lại là một quyết định hoàn toàn riêng tư. Nó tùy thuộc vào khả năng, sở thích, và quan điểm chính trị của từng người. Không ai có quyền xâm phạm tới quyền tự do căn bản nầy (…). Thế nhưng, khi đến với Hội AHKQ, thì người KQ đến với tư cách một KQ thuần túy. Các Hội AHKQ, mặc dầu có lập trường chính trị rõ ràng, nhưng không được thành lập với mục đích hoạt động chính trị (…). Cho đến nay, Hội KQ vẫn giữ được lập trường chính trị độc lập không theo và không đả phá bất cứ một xu hướng chính trị đảng phái quốc gia nào. Trong hiện trạng phân hóa cực độ của cộng đồng hải ngoại, giữ được bình tĩnh, thận trọng trong lời nói và việc làm là thái độ đứng đắn của các Hội AHKQ trong suốt thời gian qua”. (ĐSKQ 07-1999, Qua Một Cơn Mê, Đoạn Đường Còn Lại, NQC)

          Hội AHKQ Bắc Cali vẫn giữ được tư thế độc lập như vậy từ lâu nay không phải là chuyện bình thường, mà cái phi thường là sự đoàn kết một lòng của tất cả hội viên ủng hộ đường lối do BCH vạch ra.

          Nhờ sự đoàn kết một lòng, nên: “cuối tháng 5 năm 1999, anh chị em trong BCH vẫn nhất quyết thực hiện Đặc San nhân dịp Ngày Không Lực 1 tháng 7 năm nay”. (7)

          Và tháng 7 năm 1999, ĐSKQ-BC đã tái ngộ bạn đọc sau 5 năm “khuất núi”  không một lời cáo biệt. “Hôm nay đây, lại một lần ân cần gửi đến quý Anh Chị cuốn Đặc San Không Quân Bắc Cali, tôi tha thiết mong quý Anh Chị cho nó được nhập trở lại tủ sách gia đình, với tất cả sự mến thương trước đây đã dành cho nó, như đón nhận một người thân yêu đã lở vắng mặt mà không tin tức một thời gian thật lâu”. (ĐSKQ 07-1999, Thư Hội Trưởng, NQC)

@Nhiệm Kỳ 2004-2006
Trung Dung - Phục Hồi Danh Dự QLVNCH – Thế Hệ Tiếp Nối

          Ai cũng biết, ĐSKQ-BC tái phát hành là nhờ quyết tâm của Hội trưởng, BCH và toàn thể hội viên của Hội AHKQ-BC nhiệm kỳ 1998-2000. Hai nhiệm kỳ sau đó (2000-2004) dưới thời Hội trưởng Vũ Ngô Dũng, ĐSKQ tiếp tục phát hành cho đến hết hiệm kỳ.

          Vào mùa xuân năm 2004, anh em không quân miền Bắc Cali lại bầu KQ NQC vào chức vụ Hội trưởng nhiệm kỳ 2004-2006 sau bốn năm nghỉ xả hơi. Sự lựa chọn nầy là tình cờ hay cố ý? Ai cũng biết vào thời điểm nầy đã nẩy sinh  một biến cố  vô cùng tế nhị trong toàn Quân Chủng. Giả dụ sự bầu chọn trên là cố ý thì anh em đã chọn đúng người có khả năng đối phó với những đổ vỡ do sự va chạm trên thượng tầng Quân chủng, biến bầu trời một thể trong xanh bỗng tan tác thành mấy tảng mây u ám. 

          Trên 20 Hội AHKQ trên toàn thế giới đã chọn cách hành xử theo...đa số! Riêng Hội AHKQ-BC chọn cách đi riêng, không bênh không bỏ bên nào, bên nào cũng là cấp chỉ huy xưa. Tất cả hội viên đã một lòng hổ trợ đường lối trung dung mà KQ NQC được xem như là thuyền trưởng trước phong ba: “Miền Bắc California chúng ta không vui nhưng yên tâm là tại đây tinh thần đoàn kết, tình đồng đội của tất cả Không Quân, gia đình KQ, cũng như thân hữu của KQ , không lúc nào sứt mẻ, hoặc là đặt thành vấn đề”(...) “Và để lại ngoài cửa những gì của ngoài đường. Tôi chân thành cám tạ các Niên trưởng và các chiến hữu trong và ngoài quân chủng, đặc biệt là các thân hữu KQ đã thông cảm nỗi khó khăn và hoàn cảnh tế nhị của Hội AHKQ Bắc California, đã kiên nhẫn tin tưởng và cổ võ tinh thần để giúp tôi bình tĩnh giữ vững tay lái và điều khiển con tàu tránh cơn sóng gió”. (ĐSKQ 01-2006, Lá Thư Hội Trưởng, KQ NQC).

          Hội AHKQ-BC không muốn xen vào chuyện cá nhân “và để lại ngoài cửa những gì của ngoài đường”(ĐSKQ-BC 01/2006). Thay vào đó, Hội dồn nỗ lực vào mục tiêu khác, thiết thực hơn, là "phục hồi danh dự cho QLVNCH".

          Nhận thấy, sau tháng 4-1975, QLVNCH không những đã bị kẻ địch (kẻ thắng) làm nhục mà ngay cả đồng minh cũng coi như forget thực thể nầy. E ngại sự tráo trở sẽ gây hiểu lầm, thất vọng  cho thế hệ con cháu nên Hội AHKQ-BC kêu gọi Quân Cán Chính đã đổ máu để bảo vệ tự do và mạng sống cho người dân miền Nam, hãy cùng nhau lên tiếng để nói lên Sự Thật của cuộc chiến tự vệ.

          Chúng ta là chứng nhân cũng là nạn nhân, nếu chúng ta không nói lên Sự Thật thì ai nói giúp cho ta?: “Danh dự của QLVNCH, niềm hãnh diện của chúng ta, đó là cái gia tài mà con cháu chúng ta mong muốn: sự hãnh diện về nguồn gốc của chúng. Đó là gia tài mà chỉ có chúng ta mới trao lại được, vì chúng ta đã sống và đã chết vì cái “sự thật” đó. Nếu chúng ta không nói lên, nếu chúng ta không tìm cách trình bày nó ra, hay là nếu chúng ta cố tình quên nó đi, thì không khác gì chúng ta xác nhận là đúng những điều bịa đặt hay thiên vị của truyền thông Mỹ”.(ĐSKQ 10-2004, Lá Thư Hội Trưởng, KQ NQC) 

          Để thực hiện mục tiêu nầy, Ban Biên Tập ĐSKQ ra sức mời gọi những cây viết trong và ngoài Không Quân cùng góp một tay. Lời mời gọi đã được hưởng ứng. Ngoài các cây viết Không Quân còn có sự tiếp tay của các chiến hữu trong Quân Đội, các viên chức trong Chánh phủ VNCH và cả các bạn Mỹ có cái nhìn trung thực đối với cuộc chiến tự vệ của quân dân miền Nam Việt Nam trước đây. (8)

          Theo thiển ý, “mục tiêu” phục hồi danh dự cho QLVNCH là rộng lớn và cấp thiết cho toàn thể Quân Cán Chính của VNCH, thì một Hội Ái Hữu không thể kham nổi. Cộng đồng người Việt hải ngoại, hay ít nhất là tập thể QLVNCH cùng góp tay vào, soạn ra kế sách sao cho khoa học hợp lý để thu phục báo chí truyền thông và chính giới của nước sở tại, thì may ra sẽ giúp họ hiểu được sư thật về cái gọi là “Chiến tranh Việt Nam” trước đây: (…) “Người ta đã nói, đã viết rất nhiều – quá nhiều – về cái mà người Mỹ gọi là “Chiến Tranh Việt Nam”. Nhưng người ta đã vô tình hay cố ý bỏ xót, không nói đến một phần của sự Thật, mà quên rằng thiếu cái phần đó, dù nhỏ chăng nữa, sự “Thật” không đầy đủ, và không còn là sự “Thật” nửa.”(ĐSKQ 06-2005. Thư Hội Trưởng, KQ NQC)

          Những lời lẽ trong “Thư Hội Trưởng” đã thể hiện một phần tâm tình của KQ NQC, là anh mong làm một cái gì dù nhỏ, để tỏ lòng biết ơn những hy sinh vì chính nghĩa của đồng đội anh em: “...chúng tôi sẽ cố gắng tìm kiếm, vì chúng tôi tin rằng con cháu của chúng ta không phải là con cháu của “một đám dân quân ươn hèn”, vì đó cũng là điều tối thiểu chúng ta có thể làm được cho những đồng đội của chúng ta đã hy sinh cho đến ngày cuối” . (ĐSKQ 06-2005. Thư Hội Trưởng, KQ NQC)

          Song song với mục tiêu phục hồi danh dự người chiến sĩ Cộng Hòa là mục tiêu “với tay tới Thế Hệ Sau, khuyến khích các cháu nghiên cứu và tìm hiểu thêm về cuộc chiến chống Cộng Sản của người Việt Quốc Gia”(ĐSKQ 07-2004, Thư Hội Trưởng).

          Chúng ta có cơ sở để trông cậy vào thế hệ sau, vì nói chung, con cháu chúng ta trưởng thành và tài ba, như Khoa Do, thanh niên Úc gốc Việt, sinh năm 1979, đã đoạt giải “Young Australian of the Year 2005”(ĐSKQ 03-2005), như  Phạm Xuân Quang, tác giả quyển “A Sense of Duty” mô tả nhiều khía cạnh trung thực về “Chiến tranh Việt Nam” (9).

          KQ NQC tham dự buổi ra mắt sách nầy: “Đầu tháng 5 vừa qua, tôi tham dự buổi ra mắt cuốn “A Sense of Duty” tại thư viện chính San Jose. (…) Người giới thiệu tác giả là một giáo sư Mỹ của Đại Học San Jose. Ông mừng là đã có một người Việt Nam “đại diện” cho cộng đồng người tỵ nạn Việt Nam viết lên sự thật về chiến tranh Việt Nam, về vai trò và điều kiện chiến đấu của người lính Việt Nam. Năm 75, tác giả là một cậu bé tỵ nạn không biết gì về cuộc chiến VN. Lớn lên tại Hoa Kỳ, anh đã phải nghe, phải chịu những lời lẽ, những cử chỉ miệt thị của một số dân bản xứ đối với đám quân dân bại trận. Sau khi chiến đấu tại Iraq (Desert Storm) với tư cách một phi công của Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ, tác giả đã bỏ hết công sức của mình trong 10 năm để đi tìm sự thật về chiến tranh Việt Nam, và đã viết lên trong cuốn sách. Điều quan trọng là tác giả, ông Phạm Xuân Quang, con trai của cựu Trung Tá KQ Phạm Xuân Hòa (quá cố), đã viết cuốn sách bằng Anh ngữ”(ĐSKQ 06-2005)
                    
            Nhân đây, xin cám tác giả Phạm Xuân Quang đã thay chúng tôi để nói lên “sự thật” về cuộc chiến tranh tự vệ của quân dân miền Nam mà chúng tôi trực tiếp tham dự.


          Bốn
          Chuyện Tình Không Quân

          Sau 8 Năm Cống Hiến tâm huyết cho Hội AHKQ-BC, KQ Nguyễn Qúi Chấn đã góp phần tạo được những thành quả đáng kể sau 33 năm thành lập Hội là sự đoàn kết tin cậy giữa các hội viên và sự ra đời của Đặc San KQ Bắc Cali từ 1990 cho đến nay.

          Thông thường, các Hội KQ được thành lập với mục đích ái hữu tương trợ, vui buồn có nhau, mỗi năm một lần picnic mùa hè, mỗi hai năm một lần Không Gian Hội Ngộ, ngày Tết ngày Lễ họp mặt tiệc tùng, gây quỹ, phát học bỗng cho con em xuất sắc....Đại loại như vậy là đã mãn nguyện rồi!

          Rất ít Hội được thành lập để hoạt động sao cho “hy vọng và mộng ước được nuôi dưỡng” (10) (Diễn Văn Kỷ Niệm 30 Năm) với mục tiêu có ý nghĩa thiết thực lâu dài như Hội AHKQ Bắc Cali, mà KQ NQC là một trong những nhà thiết kế.

          Để kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Hội tháng 10/2008,  KQ NQC được mời đọc diễn văn trong dip lể nầy. Theo thiển ý, BTC đã có lý do chính đáng để mời anh, vì họ tin rằng, KQ NQC “sẽ lắng nghe trái tim của anh để viết lên câu chuyện 30 năm của Hội”(10) , vì dù sao, giữa anh và Hội như chung một nhịp thở: “Vì là chuyện Không Quân, nên lẽ tất nhiên nó là một câu chuyện Tình: Một câu chuyện về Tình Đồng Đội, Tình Đồng Bào, Tình Người và Tình Quê Hương” (10).

          Bản thân KQ NQC và các chiến hữu cùng trang lứa, đã đáp lời sông núi, gia nhập QLVNCH, trong đó có Quân chủng Không Quân, trực diện với cuộc chiến giữ nước, đã nói lên Tình Quê Hương.

          Qua việc tương trợ, bảo lãnh, cứu trợ những đồng đội và đồng bào ở quê nhà cũng như trong các trại tị nạn, đã thể hiện Tình Đồng Đội Tình Đồng Bào của Hội AHKQ-BC sau 04/1975. Nếu suy nghĩ cạn cùng, việc làm tuy mang tính tương trợ nhưng tiềm ẩn ý thức chính trị, có khác gì lời tố cáo trước dư luận thế giới là, tại sao người dân Việt Nam dưới chế độ cộng sản lại liều chết vượt biển vượt biên để đi tìm Tự Do cho sự sống? 

          Còn Tình Người trong bài Diễn Văn, là: “trong vòng 3 tuần lễ, Hội AHKQ-BC đã quyên góp trên $11,000.00 để góp phần cứu giúp nạn nhân cơn bão Katrina tháng 8 năm 2005” (10).

          Đã nói chuyện tình, thì không ít người muốn tìm hiểu về “chuyện tình trai gái” của KQ NQC. Trên 70 năm qua, hầu như mọi bạn bè thân quen đều biết KQ Chấn vẫn cuki một mình. Anh là môn đệ của chủ nghĩa độc thân hay có điều gì bí ẩn khác? Hiện chưa có giải đoán nào được công chứng tại tòa kể những góp nhặt của chúng tôi sau đây.

          Trong thời gian tạm trú San Jose năm 1998 (6), bỗng một hôm, KQ NQC khoe với tôi tấm hình “cố nhân” của anh. Tôi còn nhớ “cố nhân” mặc áo dài, tóc “phi-dê”, gương mặt phúc hậu đoan trang, dáng người xinh tươi thanh tú. Tôi hỏi, bây giờ cố nhân ở đâu, thì được trả lời lâu quá không liên lạc nên không biết. Rồi cười hồn nhiên...

          Chúng tôi gặp KQ Châu Đức Tánh, cùng phi đoàn vận tải với KQ Chấn  trước 1975, có hỏi, anh biết gì về con đường tình của NQC không, thì được trả lời là không biết gì, chỉ nhớ một lần vào năm 1972, hai người cùng bay qua Đài Bắc, tại đây có một ái nữ con của một quan chức VNCH gọi điện hỏi thăm, nhưng anh Chấn không muốn bắt phôn!

          Thật tình tôi không tin KQ NQC, người từng học trường “Đầm” mà lại phớt lờ lời thăm hỏi của “Đầm” như vậy. Chắc hẳn trong tim anh đã in sâu hình bóng và anh muốn một đời tôn thờ hình bóng đó mà thôi: “Trong trí nhớ tôi, Tam Đảo chỉ còn là rừng núi chìm trong sương mù. Lúc đó tôi còn quá nhỏ. Nhưng Đà Lạt, Đà Lạt của trên một nửa thế kỷ trước đây, vẫn còn làm trái tim tôi rung động mỗi khi nghĩ tới. Chẳng gì thì cũng tại Đà Lạt mà trái tim tôi đã biết rung động lần đầu tiên”(TAT, trang 216).

          Nhưng mới đây, chúng tôi lại tìm thấy “nàng” qua bài viết “Không Quân & Tôi, Những Năm Đầu” của tác giả Nguyễn Quí Chấn đăng trong ĐSKQ 06-2011, trang 111, như sau: “Chúng tôi không bỏ lở cơ hội để mỗi chiều phóng (vespa, lambretta, v.v...) về Sài Gòn với “Nàng”, với gia đình, với cuộc sống tấp nập của Sài Gòn ban đêm”. 

            thể chàng đã bị tiếng sét (của nàng) đánh cho mê mẩn đời tại Đà Lạt, và khi chàng đã là phi công khu trục đóng tại phi trường Biên Hòa thì nàng về Sài Gòn để đi học hoặc đi làm...

          Sẽ là chuyện bình thường đối với bất kỳ một không quân nào, không chỉ có một cố nhân mà có thể có đến 2 hoặc thậm chí 3, 4, 5...cố nhân, một Đà Lạt  một Sài Gòn một Cần Thơ một Nha Trang một Đà Nẵng...

          Nhưng sẽ là điều bất bình thường đối với KQ NQC. Vì sao? Soi rọi vào gương chung thủy của bố mẹ anh và nền giáo dục “ở trường các bà Mẹ” mà 4 chị em anh theo học (TAT, trang 230), đã gieo vào tâm trí cậu Quí Chấn từ ấu thời, lòng tôn  trọng con người nói chung và tôn trọng phụ nữ nói riêng. Ghi nhận trên có thể giúp chúng tôi hiểu tại sao KQ NQC không muốn bắt phone người đẹp ở Đài Bắc.

         
          Năm
    Soi Gương Tìm Bóng – Hãy Mơ & Hãy Dám

          Khi Muốn Than Phiền về tâm tính khác thường của một người con khó dạy, các bậc phụ mẫu thường bảo, Cha Mẹ sinh con, Trời sinh tính để phủi tay về sự bất lực của mình. Nhưng ca dao ngạn ngữ cũng có những ý tưởng đề cập đến sự liên hệ giữa cha mẹ con cái rất...chí lý như: con nhà tông không giống lông cũng giống cánh, mẹ nào con nấy, hổ phụ sinh hổ tử v.v...

          Áp dụng những ca dao ngạn ngữ trên vào trường hợp của cậu út Nguyễn Quí Chấn, thì chúng ta sẽ hiểu ngay ảnh hưởng của cha mẹ đối với cậu thật đáng kể: “Thời gian 4, 5 năm đó (1947-1951), chắc chắn bố mẹ tôi hoạt động rất nhiều về mặt xã hội. Như bố mẹ tôi cảm thấy cần phải làm cái gì để giúp đồng bào. Từ việc bảo lãnh đón tiếp những người “tản cư” trở về, rồi tổ chức “Quán Cơm Bình Dân”, rồi thành lập “Hội Bảo Trợ Phụ Nữ và Trẻ Em V.N, v.v...”.(TAT, trang 230).
         
          Phải chăng, những “mục tiêu” mà KQ NQC cố gắng thực hiện cho đồng bào và đồng đội trong 4 nhiệm kỳ Hội trưởng, là sự kế thừa nếp nhà? Chúng tôi tin như vậy vì khi đề cập đến những việc làm tình nghĩa đồng bào của bố mẹ,  là anh viết với tất cả tấm lòng yêu thương tôn kính dạt dào, nhất là đối với mẹ anh.

          KQ Châu Đức Tánh lại có nhận xét: “…, đi bay chung một thời gian với nhiều người, tôi có nhận xét là đi bay với anh Chấn thú hơn là đi với nhiều người khác. Thí dụ như, những gì không hiểu trong “nghề”, hỏi, anh Chấn chỉ vẻ rất rõ ràng; đi bay đêm, anh chia giờ, hai người thay nhau lái và nghỉ rất công bình...Khoảng hơn năm sau, có dịp ghé nhà anh ấy chơi, tôi hơi ngạc nhiên là rất nhiều lần thấy anh ấy hỏi xin tiền bà Cụ, hoặc bà Cụ hỏi: “Chấn có cần tiền không Măng đưa?”...Thì ra, dù là “Quan Ba Tàu Bay”(?) nhưng mỗi tháng lãnh lương về, anh đều đưa hết cho Mẹ và khi cần thì lại xin...” (tanhchau@hotmail, August 31, 2010, Thư riêng).

          Mẹ là vô cùng tận.
          Con vẫn nghĩ lòng con như tấc cỏ
          Sao sánh bằng tình Mẹ ngút tầng mây.” (Cung Trầm Tưởng)

          Với KQ NQC, nỗi niềm nầy còn sâu đâm đến tận ngàn sau: “Và nay, Lausanne, nơi an nghỉ của Mẹ tôi, và có lẽ của chúng tôi, những đứa con còn sống sót”. (TAT, trang 216).

          Bài học trong Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày nào Trai thời Trung Hiếu làm đầu vẫn còn vang vọng trong trái tim và khối óc của chúng tôi. Chúng tôi đoan chắc rằng, hầu hết những người con hiếu kính với Cha Mẹ, sẽ là những chinh nhân sắt son một dạ với quốc gia dân tộc.

          Cha là con út một gia đình nho giáo thanh bạch, học giỏi, được học bổng từ tiểu học đến đại học, rụt rè nhút nhát. Mẹ là một thiếu nữ trẻ đẹp, “tân thời”, “Tây học”, con một chủ đồn điền giàu sang, tự tin cởi mở và xông xáo. Cả hai ông bà thường binh vực cho những người bị cô thế, kể cả người Pháp lúc bấy giờ. (TAT, trang 217). Máu cha huyết mẹ đã hun đúc nên cá tính KQ NQC: thanh bạch học giỏi, thương người, cởi mở và tự tin. 

          Xét cho cùng, KQ NQC cũng là con người, cũng thất tình lục dục như ai: “Một kỷ niệm đặc biệt giữa hai chúng tôi là Marcel đã giới thiệu tôi với mối tình đầu của tôi...Mà mối tình đầu bao giờ cũng tuyệt vời lãng mạn...bao giờ cũng không thành. Vì không thành nên khó quên. (ĐSKQ 04-2002. Dĩ Vãng Tìm Về, NQC).

          Cái khó quên và bị dày dò đến mãn kiếp vẫn là...trách nhiệm không thành của một công dân đối với Tổ Quốc. Trong diễn văn đọc trong  Đêm Không Gian Giả Từ Thế Kỷ tháng 10 năm 1999, KQ NQC đã can đảm nhìn thẳng vào sự nghiệp không thành của thế hệ của anh (và của chúng ta) là: “(...) Chúng tôi có lỗi với  tổ tiên và các thế hệ đàn anh và có lỗi với các thế hệ đàn em (…). Dù mang mặc cảm u buồn nơi đất khách, nhưng vẫn nuôi hy vọng trong lòng: “Hy vọng một ngày rất gần, trong đầu thiên niên kỷ mới, đàn chim Việt từ muôn phương lại sát cánh bay về quê hương VN yêu dấu” (ĐSKQ 02-2000. Diễn Văn/ ĐKG/GTTK, KQ NQC, trang 241)
           

          Nhưng còn một điều bao la hơn, vô tận hơn mà một đời phi công Nguyễn Quí Chấn sẽ không bao giờ quên là, Tình Đất Nước, Nghĩa Đồng Bào. Đang là giáo sư, anh quyết định gia nhập không quân. Theo tôi, đã in sâu trong tâm trí thuở  ấu thời của anh, ngoài hình ảnh chiếc phi cơ còn có cả bản chất tàn bạo của Việt Minh cộng sản. Và đó cũng là lý do thôi thúc anh gia nhập không quân để đáp lời sông núi trước kia và tiếp tục chia xẻ với đồng đội đồng bào sau tháng 4/1975, dù cả gia đình anh đều vượt thoát khỏi chế độ hung hiểm.

          Chúng tôi như thấy bóng dáng của Cánh Chim Tự Do Nguyễn Quí Chấn  qua Tình Nghĩa cao cả nêu trên: “Trong đời thành bại là phù du, công danh, sự nghiệp, của cải và ngay cả tình yêu cũng còn có thể bị mất hoặc bị cướp đi – ít nhất theo tôi nghĩ – nhưng sẽ mãi mãi trong tôi, niềm hãnh diện là Phi Công của Tổ Quốc Việt Nam!(ĐSKQ-BC 06-2011. Không Quân Và Tôi, Những Năm Đầu...,  NQC)

          Thư Không Niêm

          Trân Trọng Kính Mời
          Quý Niên Trưởng, Quý Chiến hữu và Quý Thân hữu,

          Qua hồi ký “Không Quân và Tôi, Những Năm Đầu...”, khi nhắc đến thời gian chờ đợi lệnh bổ nhiệm về các Phi Đoàn Khu Trục gần Sàigon, KQ Nguyễn Quí Chấn hình thành một quan niệm sống là, Hãy Mơ và Hãy Dám.

          Chúng tôi tâm đắc với suy nghĩ nầy và muốn áp dụng vào cuộc sống tị nạn bằng cách sẽ đứng ra tổ chức Mừng Lể Sinh Nhật thứ 100 cho KQ NQC vào tháng 10 năm 2039 tại San Jose, Bắc California USA.

          Buổi lể chọn tháng 10 để phù hợp với Đêm Không Gian Hội Ngộ (KGHN) truyền thống của Hội, ngoài ra, cũng sẽ là dịp kỷ niệm 49 năm ngày ra mắt Đặc San Không Quân Bắc Cali 10/1990 -  10/2039. 

          Ngày cử hành lể Đại Thọ dự định trước ngày KGHN, để có nhiều chiến hữu từ xa về tham dự cho đông vui.

          Vì là một Tiệc Sinh Nhật của một phi công của Tổ Quốc Việt Nam, ngoài nghi lễ chào cờ mặc niệm, bài Không Quân Việt Nam Hành Khúc sẽ được khuyến khích hợp ca trong dịp hiếm hoi nầy.

          BTC sẽ chào mừng tất cả quan khách tham dự, các KQ từng du hành yểm trợ LAVAS và các vị Chủ Bút ĐSKQ cùng các phu nhân của Hội, đặc biệt là thế hệ con cháu của quý vị.

          Sẽ không có diễn văn rườm rà, nhưng BTC khuyến khích thế hệ thứ hai trình bày những thành tựu ý nghĩa trong cuộc sống tị nạn như công cuộc vận động Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền cho Việt Nam, phục hồi Danh Dự cho QLVNCH...

          BTC cũng xin đề nghị quý quan khách và KQ Nguyễn Quí Chấn cùng thảo luận để tìm ra những mục tiêu mới cho Việt Nam chung quanh học thuyết “Hãy Mơ và Hãy Dám”.

          Thân kính mời quý Niên trưởng, quý Chiến hữu và quý Thân hữu từng quý mến KQ NQC cũng như KQ NQC hằng quý mến quý vị,  vui lòng sắp xếp thời giờ để chuẩn bị tham dự Lể Đại Thọ.

          Đề nghị ghi tên bây giờ, “đừng đợi ngày mai, ôi muộn màng làm sao...” (11)

          Chúng tôi sẽ công bố những thay đổi nếu có. Còn bây giờ, xin ghi danh tham dự tại:

          Bắc Đẩu võ ý
          Corona, CA, Chớm Thu 2011,


  
Chú Thích:

(*) Xin đọc những bài viết của KQ NQC như: Tuổi Ấu Thơ (Không Quân Ngoại Truyện, Mùa Thu 2003); Dĩ Vãng Tìm Về (ĐSKQ 04-2002); Qua Cơn Mê Đoạn Đường Còn Lai (ĐSKQ 07-1999); Không Quân Và Tôi, Những Năm Đầu...(ĐSKQ 06-2011); và các Thư Hội Trưởng được trích trong ĐSKQ trong 4 nhiệm kỳ Hội Trưởng của KQ Nguyễn Quí Chấn.

(1) Tôi nhận vé khư hồi Saint Louis-San Jose-Saint Louis từ KQ NQC, Hội trưởng Hội AHKQ-BC gởi để mời tham dự Đại Hội KQ Hải Ngoại 10/1992.
“...biết vc họ đa nghi như thế nào, biết luật lệ bên đó rừng như thế nào, tôi nghĩ anh phải can đảm đến mức liều lĩnh để nhận làm công việc đó ngay trong lòng đất địch. (tức là việc chuyển tiền của Nhom Không Gian Thân Tình ở Cali để giúp đở cac KQ tại Saigon va phụ cận, voy). Cho nên trong dịp tổ chức Đại Hội Không Quân ở San Jose, Cali năm 1992, tôi đã quyết định mời anh về tham dự và cho anh em biết vế tình hình về phương diện xã hội, cứu trợ anh em KQ ở Việt Nam. Tôi nghĩ không ai “nắm” vấn đề rõ hơn anh....”
(Thư riêng, NQC , Oct 04, 2010)

(2) Mục tiêu chung là tranh đấu cho một Viêt Nam Tự Do Dân Chủ Nhân Quyền Đa Nguyên Đa Đảng

(3) LAVAS = Legal Assistant for Vietnamese Asylum Seekers, tức Chương Trình Hổ Trợ Pháp Lý cho Thuyền Nhân Việt Nam.
“...Theo sự hiểu biết giới hạn của tôi (NQC trả lời phỏng vấn) LAVAS là một hôi tư nhân tinh nguyện do các đoàn thể và các cá nhân người Việt Nam tại Canada, Mỹ va Âu châu đứng ra thành lập để giúp đở hay tranh đấu cho đồng bào tị nạn Việt Nam đang còn trong trại tị nạn trên phương diện pháp lý. Trong thời gian qua, hội đã âm thầm làm việc và đã thành công trong việc chuyển 80 hồ sơ của người Việt tị nạn bị rớt thanh lọc được cứu xét lại....chúng tôi thấy LAVAS  làm được việc nên chúng tôi yểm trợ họ...”
“...ít nhất một năm phải là 8 ngàn thì mới đủ chi phí cho một luật sư của LAVAS không lấy tiền thù lao, họ tình nguyện hoàn toàn”.
(ĐSKQ, 06-2004. Nghĩ Về Một Chuyến Đi, Trường Sơn Lê Xuân Nhị, trang 96, 97)

“....Đường lối của Hội trưởng và BCH tiền nhiệm là Không Bỏ Anh Em Không Bỏ Bạn Bè. Với cach làm nầy, chúng ta đã yểm trợ LAVAS hoạt động với kết quả khích lệ là trong thời gian qua đã có một số anh em cựu quân nhân, dù bị rớt thanh lọc ở các trại tỵ nạn Đông Nam Á,  đã được cứu xét lại và đã định cư ở quốc gia thứ ba”.
(ĐSKQ 06-1994, Lá Thư Hội Trưởng, H T Nguyễn Quý An, trang 04)

(4) Bốn KQ tình nguyện chuyến du thuyết LAVAS là các KQ: Nguyễn Quí Chấn, Dương Hồng Phúc,  Nguyễn Bảy & Vũ Từ Hanh. Họ đã đóng cửa hãng xưởng (Nguyễn Bảy), xin nghỉ phép và bỏ tiền túi ra chi phí cho chuyến đi nầy.

Cac thanh phố ghé qua: Santa Ana, San  Diego (CA), Phoenix (AZ), Houston (TX), Oklahoma (OK), New Orleans (LS), Orlando (FL), Charlotte (N. Carolina) Atlanta (GA), Washington DC, Saint Louis, (MO), Denver, (Colorado), Seattle (WA), Porland (Oregan), San Jose (CA).

(5) ĐSKQ 09-1994 - Không Quân Nguyễn Quý An, Tác giả KQ Tạ Thượng Tứ, trang125.

(6) Năm 1998, tôi nhận job tại Hayward, bắc San Jose, và tạm trú lâu dài tại lâu đài do KQ Nguyễn Quí Chân thuê vừa để ở, vừa đặt trụ sở BCH Hội AHKQ, vừa làm Tòa Soạn ĐSKQ.

(7)ĐSKQ 07-1999 tái phát hành sau 5 năm đình chỉ. “ĐS phát hành số đầu tiên vào tháng 10 năm 1990, 800 cuốn. Những năm kế tiếp, phát hành 4 lần/năm, 1000 cuốn. Tạm ngưng phát hành năm 1994. Tái phát hành tháng 7 năm 1999. Tháng 01/2006, in 1200 cuốn. Ngoài San Jose và Miền Bắc Cali, ĐS được gởi tới độc giả Hoa Thịnh Đốn và 36 Tiểu bang Hoa Kỳ cùng 6 quốc gia trên thế giới như Canada, Úc, Pháp, Đức, Na-Uy và Thụy-Sĩ. Đặc biệt là ĐS đã đến tay các chiến hữu đồng bào thuyền nhân trong các trại tị nạn vào thập niên 90”. (ĐSKQ 07-1999 & 04-2006)

(8) Những Tác giả đóng góp bài vở nói lên Sự Thật về sự hy sinh chiến đấu của QLVNCH, được trích dẫn qua các DSKQ trong nhiệm kỳ Hội trưởng của KQ NQC:
@ĐSKQ 07/2004:
KQ Nguyễn Gia Tiến: Giới Trẻ Hải Ngoại và Cuộc Chiến Việt Nam. The Vietnam War: A History To Be Rewritten.
@ĐSKQ 01/2005
KQ Trần Đỗ Cung (Robert C. Trando): The Saga of a Vietnamese Immigrant.
Đại Tá Phạm Bá Hoa: Đôi Giòng Ghi Nhớ.
@Đ9SKQ 03/2005
Keith W. Taylor: How I Began To Teach About The Vietnam War
Ô Hoàng Đức Nhả, Cựu Tổng Trưởng Thông Tin Chiêu Hồi: Có Bạn Như Vậy, Ai Cần Kẻ Thù.
Đại Tá Phạm Bá Hoa: Đôi Giòng Ghi Nhớ.
CSCH Mai Hữu Dzị: Tôi Theo Chuyến Bay Bắc Phạt
@ĐSKQ 06/2005
Dr Lewis Sorley: Remembering Vietnam.
Đại Tá Phạm Bá Hoa: Đôi Giòng Ghi Nhớ.
KQ Thái Ngùng: Tinh Long 7.
Bác Sĩ KQ Nguyễn Gia Tiến: Bổn Phận Phải Nhớ.
@ĐSKQ 09/2005
Đại Tá Phạm Bá Hoa: Trận Chiến Dựng Lại Cờ Vàng
KQ Trần Bá Hợi: Realpolitic & Vietnamese War
KQ Hàn Phú: 30/04 Một Vài Hồi Tưởng
Thiên Lôi Ngô Đức Cửu: Chuyện 30 Năm Về Trước
@ĐSKQ 04/2006
KQ Nguyễn Gia Tiến: Tự Do Phải Mua Phải Có.
KQ Hà Minh Đức: Trầm Tĩnh Bay Vào Lữa Đạn

(9) A Sense of Duty, My Father, My American Journey. Quang X. Pham
Category: History – United States - 20th Century; History – Military – Vietnam War; Biography & Autobiography
Imprint: Ballantine Books (Random House)
Format: Hardcover, 340 pages
Pub Date: April 2005
Price: $24.95
ISBN: 0891418733
Visit the author's website at www.asenseofduty.com (DSKQ 01-2005)

(10) trích vài ý chính trong “Diễn Văn Kỷ Niệm 30 Năm Thành Lập Hội AHKQ-BC” của KQ NQC (10/1978-10/2008). Diễn văn không phổ biến.

(11) Ý trong bài hát “Nếu Có Yêu Tôi” của Trần Duy Dức & Ngô Tịnh Yên.





No comments:

Post a Comment