Thursday, April 5, 2012

"30 Tháng Tư"


Xin mời đọc bài "30 Tháng Tư" của "Loan Mắt Nhung" Nguyễn Thụy Long
(ông sinh ngày 9 tháng 8 năm 1938 tại Hà Nội.
Mất ngày 03 tháng 9 năm 2009 tại Sài Gòn).
Nên biết Nguyễn Thụy Long viềt bài này năm 2005 và ông ta chưa bao giờ ra khỏi Việt Nam...
30 Tháng Tư
Nguyễn Thụy Long
Lại sắp đến ngày 30 tháng Tư, trên đất nước tôi nhà cầm quyền phát động ì xèo kỷ niệm ngày “chiến thắng vĩ đại, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.” Từ cả tháng trước, ngày nào người ta cũng nhắc đến chiến thắng ấy của dân tộc, phỏng vấn những tướng lãnh chỉ huy trận đánh về chiến lược, chiến thuật, những chiến sĩ anh hùng, tất cả đều được đưa lên báo đài, cả những trang web bay đi khắp thế giới. Buổi sáng tôi dậy sớm nghe đài nước ngoài, chương trình Việt ngữ, nhưng bị phá sóng nhiều quá, nghe câu được câu không. Cũng ngày ấy cộng đồng người Việt trên khắp thế giới làm kỷ niệm, nhưng gọi bằng nhiều cách khác nhau, Ngày Quốc Hận, Tháng 4 Đen hay gì đó còn tùy.
Cũng ở trên đài Á Châu Tự Do tôi nghe cuộc phỏng vấn một đạo diễn trẻ người Việt Nam ở nước ngoài, làm một cuốn phim về ngày bại trận 30 tháng Tư lấy tên là ngày giỗ. Anh và các bạn anh thiếu thốn rất nhiều tư liệu về ngày hôm ấy, nhưng chắp vá và lấy kỷ niệm của những người lớn chứng kiến vào thời ấy rồi cũng xong. Bởi tại ngày anh ra đi, rời Việt Nam anh còn quá trẻ, tuổi đâu khoảng 13 hay 14 chi đó, nhất là anh không có kinh nghiệm tham gia vào cuộc bại trận ấy.
Người đạo diễn thanh niên này còn có tham vọng làm cuốn phim khác nữa sau khi chế độ Việt Nam Cộng Hoà xụp đổ, về những trại tù khổ sai mà người ta gọi là trại cải tạo. Tôi hy vọng anh ta và nhóm của anh có tâm huyết thì cũng xong, có thể thành công. Việt Nam trong cuộc chiến vừa qua có rất nhiều tư liệu quý giá, tôi đã dược xem một cuốn phim do Mỹ sản xuất lấy tên là Trời và Đất. Cuốn phim đã nói lên được thân phận Việt Nam giữa các thế lực, thân phận con người Việt Nam đáng thương.
Tôi là một người Việt Nam, sống và lớn lên, trưởng thành trong thời buổi ấy, thời buổi đau thương nhất của đất nước, nay lại sống suốt 29 năm trong chế độ, sắp sửa 30 năm, chưa một lần bị ngắt quãng, vì không ra nước ngoài, hay đi đâu xa khỏi Việt Nam. Tôi là dân bại trận ở lại Việt Nam. Tôi không có gì ca tụng về ngày 30 tháng Tư ấy, nhiều đau thương hơn thì có, gia đình tôi ly tán cũng vào ngày ấy. Đàn anh của tôi nhà văn Chu Tử, chủ nhiệm nhật báo SỐNG bị giết chết vì đạn pháo kích lúc 10 giờ sáng ngày 30 tháng Tư năm 1975, trên chiếc tầu di tản mới chạy thoát ra được đến cửa biển Cần Giờ.
Hàng năm tôi chúng tôi làm giỗ anh Chu Tử vào ngày đó, sau này không biết vì lý do gì, đổi sang ngày âm lịch là ngày 19 tháng ba (trùng với ngày 30-4-1975). Có phải vì người ta đang ồn ào làm lễ kỷ niệm chiến thắng mà mình lại làm giỗ, than khóc và tưởng nhớ đến người đã chết là chướng quá không, vì vậy gia đình ông Chu Tử mới đổi ngày giỗ cho yên. Tôi cũng không bỏ một buổi giỗ nào của ông Chu Tử, dù có đổi ngày, nhưng dù làm vào ngày nào anh em chúng tôi ngồi với nhau, nhắc lại và nói về những kỷ niệm là ngày 30 tháng Tư năm 1975, gia chủ tổ chức giỗ ông Chu Tử cũng không có ý kiến gì, buổi giỗ ấy anh em chúng tôi tự do hoàn toàn. Những buổi giỗ ông Chu Tử sau này vắng bóng dần những người anh em thân thiết của ông, người thì ốm đau bệnh hoạn đi không nổi, người thì đã “dạo chơi tiên cảnh” khỏi “cõi tạm” đầy đau thương này. Như Tú Kếu, như nhà văn Mặc Thu, như ông Khai Trí Nguyễn Hùng Trương, vì ông mới qua đời.
Nhà báo Phan Nghị ở buổi giỗ nào còn oang oang kể lại kỷ niệm với chủ nhiệm Chu Tử, nay cũng đã vắng bóng anh. Một đàn em thân thiết như Đông con tuổi còn rất trẻ cũng không còn nữa. Nhưng buổi giỗ vẫn đông đảo, tôi thấy có những anh em từ nước ngoài trở về, những Việt kiều đó ra đi do vượt biên hay diện HO, những điện thư từ khắp nơi trên thế giới gửi về cho gia đình con cái ông Chu Tử để tưởng nhớ ông.
Tôi đã qua 29 lần kỷ niệm vể ngày 30 tháng Tư trên đất nước “Xã Hội Chủ Nghĩa VN,” kể ra thêm mệt nhưng không thể không kể. Tôi kiêu hãnh nói rằng tôi là một trong những nhân chứng lịch sử, tôi vừa là nhà văn nhà báo, nói có nhận xét, dù rằng cái nhận xét của riêng mình, nhưng đúng về mặt người cầm bút thì phải công bằng và chính xác, tôi phục vụ cho nghề nghiệp và lý tưởng của nhà văn nhà báo chân chính, không phục vụ hoặc làm bồi bút cho tổ chức hay đảng phái nào đó.
Đối với tôi thì ngày 30 tháng Tư nào tôi cũng buồn, một người Việt Nam đang sống trên quê hương mình, tôi tự hỏi, được chứng kiến những giây phút lịch sử trọng đại, đất nước Việt Nam thống nhất quang vinh như thế mà buồn sao?
Sau đợt lùa những sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hoà bại trận đi học tập cải tạo, đến lượt văn nghệ sĩ chế độ cũ, và các vị chức sắc tôn giáo vào những trại tập trung dài dài từ Bắc chí Nam. Các ông cai ngục, cai tù được gọi là quản giáo, cán bộ dậy bảo, giáo dục cho các phạm nhân lầm đường lạc lối hiểu biết đường lối của đảng, của cách mạng, và không ai có án rõ ràng, khi được tha về phạm nhân được phát cho cái giấy ra trại. Đọc qua giấy này họ mới té ngửa ra, lúc ấy mới biết tội danh của mình và thời gian học tập cải tạo là bao nhiêu năm, bao nhiêu tháng có khi còn bị ăn gian. Còn người ở lại được nhà trại nói lấp lửng chừng nào “học tập tốt” thì về. Có người phải ở trong tù vài chục năm vì bị nhà nước cho rằng họ chưa được tốt. Tôi không hiểu người ta dựa vào tiêu chuẩn nào gọi là tốt và xấu để giam giữ người vài chục năm như vậy, với lời kết án thật mơ hồ.
Tôi bị bắt nóng ngoài đường, không bị liệt vào hàng ngũ văn nghệ sĩ phải học tập cải tạo, mà với một tội danh khác, tổ chức phản động, một tội rất dễ chết. Khốn nạn cho cái thân tôi, thời chế độ cũ đi lính binh nhì không xong, mà nay lại là người tổ chức chỉ huy một trung đoàn, có tên trung đoàn Quyết Thắng trong hồ sơ phản động của tôi. Tôi bị tra tấn, bị đánh và những người tra tấn tôi ngày nào cũng bắt tôi phải khai ra cái trung đoàn Quyết Thắng này ở đâu! Vì bỗng nhiên mình lại mang một tội danh “oai” như thế, một trung đoàn trưởng, nên tôi cũng phải phì cười ra nước mắt sau những trận đòn tra tấn thừa chết thiếu sống.
Tôi cũng không biết người ta phong cho tôi, chức gì, cấp bậc nào, tướng hay tá trong trung đoàn mà tôi bị đứng vào hàng “chủ xị.” Một trung đoàn không có quân số, không doanh trại, không có cả chiến khu kháng chiến. Bản lấy cung của tôi bị bỏ dở dang, không có tôi ký tên nhận tội. May quá thế là tôi thoát chết, tôi đã thấy nhiều người bị chết, bị mang ra xử bắn vì những tội danh bá vơ ấy. Tôi nói với bạn bè đồng tù:
- Dù tao có là thằng nhà văn nhà báo ngu dốt cũng không bao giờ đặt cái tên trung đoàn Quyết Thắng cho tổ chức quân sự của tao, vừa quê vừa thối. Ai cũng biết các khẩu hiệu quyết thắng, quyết chiến, quyết tử, quyết sinh là sản phẩm của các anh Việt Minh, các anh đã xài mòn teo ra rồi, từ thời kháng chiến đánh đuổi thực dân Pháp kia, rồi đến thời chống Mỹ cứu nước xài lại, nay không biết dùng làm gì nữa thì gán đại cho tao. Tao biết ngay các anh độc lắm, lại một trò chụp mũ buộc tội cho người khác để mang ra xử theo luật rừng.
Tôi lênh đênh qua nhiều nhà giam ở thành phố, rồi mới bị đưa lên trại học tập trên rừng, an tâm học tập cải tạo ở nơi đó, bao giờ học tập tốt thì được về xum họp với gia đình. Nhà nước, nhà cầm quyền nói như thế. Chúng tôi ngắc ngoải sống trong lao động khổ sai, nhiều anh em kiệt lực gục xuống bỏ xác trong các trại tù. Thân phận chúng tôi như những nô lệ trong phim Tần Thủy Hoàng xây Vạn Lý Trường Thành hay những nô lệ xây Kim Tự Tháp Ai Cập.
Nhiều lần lao động cuốc đất trúng mìn ngoài bãi lao động, mìn nổ thương vong vô khối người, nhưng được giải thích là mìn đó là của Mỹ Ngụy gài lại để giết nhân dân. Bây giờ chúng tôi có chết có thương vong thì cũng chỉ là “gậy ông đập lưng ông” thôi. Chúng tôi nhiều lần đề nghị với ban quản giáo xin được tự gỡ mìn để khỏi gây hại cho phạm nhân, nhưng được lãnh đạo trại “nhân đạo” từ chối, vì sợ mất thì giờ lao động sản xuất kiếm ra của cải cho đất nước chúng ta còn nghèo. Đồi nghĩa địa tù chật kín những mồ hoang của anh em chúng tôi. Sáng đi lao động, chiều về nhìn mặt trời gác bóng trên sườn núi Chứa Chan mới biết mình còn sống, mong sớm có ngày ra xum họp với gia đình.
Tôi không nhớ rõ là mình ăn đến mấy cái ngày kỷ niệm 30 tháng Tư trong trại cải tạo, vì từng bị bắt lên bắt xuống, như bắt cóc bỏ đĩa, tha rồi lại bị bắt lại. Ngoài cái tội phản động, tôi còn tội phản quốc bỏ quê hương mà trốn đi, tức là tội vượt biên mà không thoát. Phải chi ngày đó tôi trốn thoát, thì bây giờ được nhà nước ưu ái gọi là Việt kiều khúc ruột ngàn dặm được phép trở về thăm quê hương, được nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Mấy anh Việt cộng từng đánh đấm bỏ tù, từng kết tội tôi là Việt gian sẽ ngọt ngào khuyên tôi nên hòa hợp hòa giải, quên đi chuyện cũ, đóng góp tất cả những gì tôi đang có để giúp cho đất nước quê hương Việt Nam mà các anh đang cai trị. Tôi đã thấy những cuộc tiếp đón long trọng, những Việt kiều trở về thăm quê hương được diện kiến những lãnh đạo trong nước và họ được huy chương, và được ca tụng vì những đóng góp của họ đã được truyền thanh truyền hình đi khắp mọi nơi. Họ thành người yêu nước, có ẩn chứa ý yêu và ủng hộ đảng CS cầm quyền.
Trong trại học tập, ngày 30 tháng Tư mỗi năm được tổ chức xôm tụ lắm, mà anh em chúng tôi gọi là ngày “đứt phim.” Từ ba giờ sáng một số trại viên có tay nghề trong việc nấu nướng đã được điều lên nhà bếp để thọc tiết heo mổ bò làm đồ ăn, thổi cả cơm nữa, hương cơm phảng phất khắp trại làm các trại viên chúng tôi tỉnh cả ngủ, dù là hương gạo mốc, không phải gạo Nàng Hương chợ Đào. Những hương vị âm thanh hấp dẫn đó làm chúng tôi trở nên háo hức, vì chúng tôi là những kẻ thường xuyên ăn đói mặc rách, cả năm chỉ ăn khoai ăn sắn có biết cơm thịt là gì đâu, sức lao động bị vắt kiệt từng ngày, nay có cơm thì mừng quá. Bao nhiêu năm qua chúng tôi sống trong một miền Nam trù phú lúa thóc không bao giờ thiếu, người nông dân chỉ trồng một mùa cũng ăn được cả năm. Mà nay phải thèm và nhớ cơm, tưởng tượng cũng không ra được bát cơm nó thế nào? Tôi nói có quá không? Nhưng sự thật là vậy.
Ngày hôm ấy chúng tôi được nghỉ lao động và sang ngày hôm sau là ngày quốc tế lao động 1-5, vị chi là hai ngày được ăn được chơi trong vòng rào giây thép gai. Chúng tôi được nghe chính trị viên của ban quản giáo giảng giải cho nghe ngày chiến thắng 30 tháng Tư. Nhưng chỉ là chuyện nước đổ đầu vịt, chúng tôi chỉ nghĩ đến kỷ niệm cũ của chúng tôi vào ngày ấy. Buổi trưa cả ngàn người tù chúng tôi - mỗi người được ăn một chén cơm, một miếng thịt heo hay thịt bò chi đó bằng ngón tay, chan tí nước xốt cho mặn miệng. Lòng lợn - tiết canh - thịt ngon miếng nạc mang lên nhà khung cho ban giám hiệu và thủ trưởng đơn vị xơi, uống rượu hút thuốc. Lòng nhân đạo của đảng vô biên, không thể nói hết được.
Về phía các cải tạo viên chúng tôi thì sao, cũng chia ra mấy phe trong cuộc ăn uống ấy, không phải tranh nhau ăn, mà cách ăn uống cũng khác lạ. Có phe còn nặng lòng với chế độ cũ mà anh đã phục vụ, nay trở thành bại tướng trong ngày 30 tháng Tư, nhất định không ăn đồ ăn của “kẻ thù” ban phát mà ăn gì đó với muối. Phe thứ hai lấy đồ thăm nuôi của mình ra mời anh em ăn sạch. Phe thứ ba ăn ráo những gì được ban phát với lý luận: “Ta ăn thứ này là của ta làm ra, chẳng ăn chực thằng nào hết, gạo này chính ta làm ta cấy cầy, thịt này cũng chính chúng ta chăn nuôi, không ăn là dại. Ăn bám, ăn trên xương máu chúng ta là những thằng cai tù chứ không phải chúng ta. Lý luận nào cũng đúng cả, không ai đụng chạm tới ai.
Anh chán đời ngồi quay mặt vào tường “diện bích” hết ngày 30 tháng Tư là chuyện của anh. Tự do của mỗi cá nhân được tôn trọng tuyệt đối, nên cuộc ăn uống ấy cũng diễn ra êm thắm, không phải tinh thần xôi thịt mổ cãi nhau như mổ bò ở các đình làng nhà quê. Dù sao tôi cũng nể phục các anh cải tạo chịu ăn cơm muối lắm, các anh còn có liêm sỉ và sĩ khí của một chiến sĩ, tôi không thể đánh giá thái độ ấy là sai hay đúng.
Tôi lại nghĩ đến những anh hùng trong sử sách, đến một Hoàng Diệu, tuẫn tiết theo thành Thăng Long khi quân Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ nhất. Một Nguyễn Tri Phương không chịu cho kẻ thù buộc vết thương khi Pháp đánh Bắc kỳ lần thứ hai. Một Võ Tánh chất củi tự thiêu khi bại trận. Một Trần Bình Trọng thà làm quỷ nước Nam hơn làm vương đất Bắc.
Trong đời làm báo của mình, trong trận chiến cuối cùng ngày 30 tháng Tư, tôi đã thấy những người lính Nhẩy Dù trại Hoàng Hoa Thám ở ngã tư Bảy Hiền ôm nhau cho nổ lựu đạn để cùng chết bên nhau, sau khi có lệnh đầu hàng vô điều kiện của tướng Dương Văn Minh. Và sau đó nhiều tướng tá của chế độ Cộng Hoà ở miền Nam tự sát khi nghe lệnh đầu hàng của “tổng thống” tạm quyền.
Tôi chắc chắn rằng sử sách có ghi lại, dù rằng chế độ ấy thua trận và bị bôi nhọ suốt bao nhiêu năm trời, bị vu cáo là có bao nhiêu tội lỗi với “nhân dân.” Chính sử không thuần ở trong tay kẻ chiến thắng, mà ở trong lòng mọi người trên đất nước này, không thể bóp méo, không thể như cục đất sét muốn nặn hình gì theo ý họ. Còn những thương binh của chế độ Cộng Hoà sau khi bại trận ngày 30 tháng Tư năm 1975 thì sao? Tôi đã thấy họ bị đuổi ra khỏi quân y viện Cộng Hoà chiều ngày 30 tháng Tư lịch sử ấy. Anh mù cõng anh què. Anh đổ ruột vịn vai anh cụt tay. Họ đi hàng hàng lớp lớp suốt một quãng đường dài, đau thương lắm, tiếc rằng không một phóng viên nhiếp ảnh nước ngoài nào chụp được một tấm hình. Cái máy hình của tôi chụp được mấy tấm thì bị đập bể tan nát, suýt nữa thì tôi nguy hiểm đến tính mạng vì những kẻ trở cờ theo đóm ăn tàn, hoặc những tên lưu manh mà xã hội nào cũng có, mà hồi ấy chúng tôi gọi cái đám ấy là cách mạng 30, nghĩa là mới gia nhập cách mạng vào ngày 30 tháng Tư năm 1975. Họ đang khao khát lập công để tìm cho mình một chỗ đứng, hoặc được một tí ân huệ bố thí.
Tôi đã trải qua hai mươi chín cái ngày 30 tháng Tư, chỉ còn ít ngày nữa thì tròn 30 cái ngày kỷ niệm. Sao trong đầu tôi lẩn quẩn hoài về những kỷ niệm đau thương ấy. Những người thương binh của chế độ Cộng Hoà sau khi bi đuổi ra khỏi quân y viện Cộng Hoà. Họ đi về đâu? Mắt tôi nhìn thấy có những người thương binh kiệt lực, kiệt sức ngã ngay trên đường đi, trên lối cổng ra vào quân y viện và tôi đã nhìn thấy những giọt nước mắt uất hờn còn đọng trên đôi mắt của những người thương binh này. Trong ngàn vạn con người ấy trên đất nước VNCH thế nào không có kẻ sống sót, tôi cũng đã thấy anh mù dắt anh què hát rong ngoài đường, xin đồng tiền bố thí của đồng bào. Họ bị quên lãng đã ba chục năm nay, nên có sự công bằng cho người chết thì cũng nên lo cho người còn sống, họ cũng đã hy sinh một phần thân thể trong cuộc chiến nồi da xáo thịt này. Người ta đang nói tới chuyện phục hồi Nghĩa Trang Quân Đội ở trên Biên Hòa.
Không biết chuyện này rồi sẽ đi đến đâu. Tôi là người sống ở Sài Gòn đã gần 30 năm, nghe tin ấy tôi đã mong muốn được thăm nghĩa trang quân đội xưa vì có người thân đã chôn xác ở đó. Nhưng theo tôi biết đâu phải ai cũng được tự do ra vào để tưởng niệm người đã chết, ý nguyện của tôi không được chấp nhận. Người ta nói phục hồi nghĩa trang quân đội chế độ cũ, phục hồi thế nào tôi không biết, tôi thắc mắc trong việc làm ấy họ có phục hồi pho tượng Tiếc Thương bị giật đổ trước cổng nghĩa trang quân đội từ ba chục năm trước không. Sau 30-4-1975 hàng loạt tượng đài bị giật xập, và nay nghĩa trang sẽ để tên gì cho phải đạo làm người, mồ mả còn không. Tôi nghe mất mát cũng nhiều lắm, nếu còn thì là những nấm mồ hoang, kẻ nằm dưới đất kia là kẻ có tội, không ai được quyến thăm viếng vì thăm viếng là bị “văng miểng.” Tôi chỉ mong muốn được đến đấy, thắp lên một nén nhang tưởng niệm, dù mồ mả của những người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hoà có còn hay đã mất. Tôi cho chuyện làm ấy hay lời hứa hẹn ấy là phiêu, chẳng có gì xất cả.
Tại tiệm phở Hòa, một tiệm phở nổi tiếng cuối đường Pasteur trong thành phố Sài Gòn, tôi thường gặp một anh bán báo, cụt cả hai tay, hai tay cụt đó được ráp hai tay sắt inox có kẹp, thao tác rất gọn ghẽ, anh kẹp những tờ báo đưa cho khách hàng hoặc nhận tiền, thối lại tiền bán báo. Không biết anh bán báo ở đó đã bao nhiêu năm.
Một hôm anh mời tôi mua báo. Tôi lấy tiền ra biếu anh, vỉ sáng nay tôi đã mua báo ở sạp báo gần nhà. Anh ta nhìn tôi khẽ lắc đầu:
- Không, cám ơn ông tôi không thể nhận được.
- Vậy tôi mua báo. Tôi hỏi anh.
- Vâng ông chọn tờ nào?
Tôi chọn đại một tờ trong xấp báo mà anh ta ôm trên người, tôi đưa tiền cho anh ta, nói:
- Thôi anh khỏi phải thối lại.
- Vâng cám ơn ông.
Tôi nhìn kỹ anh ta hơn, tôi hỏi thăm về hai tay anh. Anh ta nói:
- Tôi không bị tai nạn mà là thương binh chế độ Cộng Hoà
- Anh thuộc binh chủng nào hồi trước? Tôi hỏi tiếp.
Anh ta không trả lời về binh chủng của anh chỉ nói:
- Hồi đó tôi bị thương cụt cả hai tay ở mặt trận Bình Long, chính quyền cũ làm cho tôi hai cánh tay này và tập cho tôi cách xử dụng. Gần ba chục năm nay tôi đi bán báo để sinh sống.
Vì lý do gì đó anh không nhắc tên binh chủng của mình. Nhưng khi tôi nói tên của vị tướng chỉ huy mặt trận, mắt anh ngời sáng. Tôi không ngờ đã mấy chục năm qua anh không quên và dành cho cấp chỉ huy mình sự tôn kính chân thành. Tôi ngưỡng mộ anh là người dũng cảm, liêm sỉ từ tư cách đến việc phải kiếm sống, làm một con người. Đó là điều hiếm có, ít có ai sống trong đất nước Xã Hội Chủ Nghĩa dám biểu lộ cái tinh thần quật cường ấy. Có ngài Việt kiều ngày xưa từng giữ những chức vụ quan trọng, từng là “cựu” này “cựu” kia, ngày “đứt phim” chạy có cờ, bỏ đồng đội bỏ của chạy lấy người, nay về thăm quê hương phát biểu linh tinh chả ra cái giống ôn gì, so ra tư cách của ngài với anh chàng thương binh này, cách xa một trời một vực, thật là quá chán. Tôi nói với anh:
- Anh rất can đảm, tôi ngưỡng mộ anh.
- Có gì đâu, tôi còn thua ông tướng chỉ huy chúng tôi. Anh cười nhũn nhặn.
Tôi nghĩ đến tướng Lê Văn Hưng, tướng tử thủ ở Bình Long Anh Dũng, người không trốn chạy mà tự sát như một số tướng lãnh khác của chế độ Cộng Hoà ngày 30 tháng Tư, sau khi “tổng thống” Dương Văn Minh đầu hàng vô đìều kiện.
Báo đài ngày nào cũng có bài ca tụng về ngày lịch sử 30 tháng Tư, ngày chiến thắng vĩ đại của dân tộc, ngày chấm dứt chiến tranh, thống nhất đất nước. Đoàn quân chiến thắng kéo quân vào thành phố được sự đón tiếp nồng nhiệt của nhân dân thành phố, cùng nổi dậy với cách mạng, bao nhiêu người ra phất cờ chào đón đoàn quân. Một hoạt cảnh mà tôi, một phóng viên chiến trường đã hết thời, ghi nhận được đúng ngày hôm đó:
Cuộc bại trận nhanh quá, nhanh đến độ dân Sài Gòn phải ngỡ ngàng. Kẻ nào không chạy thoát theo những chuyến di tản thì đổ ra đường xem đoàn quân chiến thắng đi dép, đội mũ cối hay mũ tai bèo vào thành phố. Có những xác người dân hoặc lính chế độ cũ chưa được thu nhặt còn sót ở những góc đường, trên những quân trang quân dụng ném đầy trên đường đi, cả vũ khí nữa chưa kịp thu nhặt.
Những con người đang đứng ngơ ngác ngỡ ngàng ở đó, bị nhét vào tay những lá cờ giấy, và anh “cách mạng" đeo súng mang băng tay đỏ mặt gườm gườm những kẻ không nhiệt tình vẫy cờ chào đón các anh bộ đội cụ hồ tiến vào thành phố. Tôi thấy một người đàn ông cũng bị nhét vào tay một lá cờ, một anh mang băng đỏ đeo súng ra huých vào sườn người đàn ông đó một cái. Ông ta có lẽ hiểu ý liền nhẩy chồm lên phất cờ lia lịa, mồm la hoan hô liên tục. Thế cũng là quá đủ, tôi lủi vào đám đông kiếm đường chạy về nhà. Ngoài kia những dòng người dầy đặc dần trên đường, có người đang tìm kiếm người thân, người tung hô những khẩu hiệu chiến thắng, người ngơ ngác ngẩn ngơ đứng nhìn. Họ không chịu tin vào sự thực là Sài Gòn bị thất thủ.

Nguyễn Thụy Long
Đầu xuân năm Ất Dậu 2005

No comments:

Post a Comment