Thursday, April 5, 2012

Biệt Đội 817, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù


Vâng ! Chúng tôi thuộc Biệt đội 817 của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù, một biệt đội tân lập để nhằm đáp ứng nhu cầu chiến trường thật sôi động vào những ngày cuối tháng tư đen.NHẬN ĐƠN VỊ
Sau lễ ra trường vội vã tại căn cứ Long Thành, tôi và một số anh em khoá 28/29VBĐL, những người trai trẻ khát khao gió mưa cùng nguy hiểm, đã chọn bộ đồ dù với chiếc nón xanh ngạo nghễ làm chiến y. Nếu ai hỏi tôi: Cái gì làm mày chọn binh chủng oai hùng đó, tôi sẽ trả lời bằng hai câu thơ cảm khái của một nữ sinh ở chiến trường đẫm máu An Lộc:
An Lộc địa, sử lưu chiến tích,
Biệt Cách Dù, vị quốc vong thân.
Tuổi trẻ là vậy đó: thèm khát chiến trường, sau gần bốn năm trui rèn gian khổ mong được thử lửa, thêm với bầu máu nóng của tuổi trẻ muốn bảo quốc an dân, chúng tôi đã xông pha vào trận chiến vói hành trang thật đầy đủ từ tinh thần, thể lực lẫn trí tuệ của một sĩ quan đa hiệu, và còn nữa: trên vai chúng tôi còn cả một truyền thống oai hùng của các bậc đàn anh. Ôi ! Kể sao cho hết lòng tự tin, hăng say náo nức của ngày đầu tiên tôi được khoác lên mình bộ quân phục khét tiếng chiến trường ấy.

Tôi và Xuân, một tay có dáng người cao,đen,đẹp trai của khóa 29, sau khi cùng anh em trình diện Trung tá Thông ở bộ Tư Lệnh Tiền Phương 2 Suối Máu, được phân phối ngay về Biệt Đội 817 đo Đại úy L. chỉ huy, không một ngày giờ phép.

Tôi xin nói sơ qua về cách phối trí đơn vị và danh xưng trong liên đoàn một cách tóm lược vì sự hiểu biết hạn hẹp và cũng để bảo mật cho một đơn vị đặc biệt nàỵ Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn là Đại tá Huấn, Hậu cứ của Liên đoàn đóng ở An Sương,Hóc Môn, có hai Bộ Tư Lệnh Tiền Phương đặc nhiệm cho từng vùng hoạt động. Dưới quyền cuả Bộ Tư Lệnh Tiền Phương là những Biệt Độị . Biệt Đội có quân số của một đại đội, lúc nào cũng được bổ sung thật đầy đủ, và được chia ra làm 03 Trung Đội Xung Kích, một Trung Đội Thám Kích và một Trung Đội Súng Nặng. sau đó được chia thành Toán và Tổ. Khi hành quân, các trung đội xung kích thường đánh trực diện và trung đội thám kích được phân phối thành 06 toán để nhảy thăm dò, đột kích, tìm diệt, thu thập tin tức, hay hoa nở trong lòng địch. Biệt Đội được yểm trợ đặc biệt như một Tiểu Đoàn khi hành quân.

Đại Úy L. là một người chỉ huy dày dạn và bình tĩnh. Sau khi chúng tôi chào trình diện, ông chỉ nói vỏn vẹn “Chào hai anh” rồi lặng yên nhìn hai đứa tôi như dò xét khả năng, nhưng chúng tôi như một cặp gà nòi ế độ, đứng lặng yên chờ nhận nhiệm vụ, không chút bồn chồn, dù trong lòng có chút băn khoăn.

Sau khi yên lặng soi vảy và xem giò cẳng, Đại Úy L. từ từ nói: “Biệt Đội cần một Trung Đội Trưởng súng nặng và một Trưởng toán Thám Kích, hai anh chọn cái nào”. Xuân K.29 e dè nhìn qua tôi, bắt gặp cái nhìn của Xuân tôi hiểu rằng “em muốn nhường anh”. Tôi không ngần ngại, bước lên một bước, đưa tay lên chào và dõng dạc nói: “Tôi nhận Trưởng toán Thám Kích”. Quả thật cái gì đã in sâu trong tôi: Truyền Thống -Tình Anh Em ? Em nhường Anh và Anh gánh vác hiểm nguy cho Em…và cùng lúc đó trong đầu tôi thoáng qua hình ảnh người tôi yêu với đôi mắt đợi chờ sâu thẳm.

Sau thủ tục giấy tờ và giới thiệu sơ qua về đơn vị đo một Sĩ quan khác đảm nhiệm, hai đứa tôi được đi ăn bữa tối đầu tiên của đời lính thật sự trong căn lều lớn có những lớp bao cát dày che chở chung quanh.

Trên đường đi, Xuân lo ngại hỏi tôi: Làm sao Niên trưởng, tôi quên hết rồi, Niên trưởng chỉ tôi với.Tôi trấn an Xuân: “Ông đừng lo, chỉ cần ông định điểm đứng và chấm tọa độ cho chính xác là đủ, tụi nó sẽ làm hết cho ông.” Xuân vẫn còn lo ngại nói tiếp: “Tối nay tôi qua hỏi thêm Niên trưởng vài chuyện”. Tôi gật đầu và sụyt khẽ với Xuân khi có vài người lính đi lại gần.

Trong đầu tôi lúc đó cũng mang nặng nỗi lo không kém : Làm sao để thu phục được những người lính gan lì đã từng vào sinh ra tử này.

Buổi tối hẹn với Xuân không bao giờ đến, vì sau bữa cơm chiều, chúng tôi đã nhận được lệnh hành quân cấp tốc vào sáng sớm ngày mai.
VÀO VÙNG TRÁCH NHIỆM.
Biệt đội chúng tôi được chuyển vận về sân vận động quận Nhất ở bên hông bộ Tổng Tham Mưu đúng vào ngày 23 tháng Tư của năm định mệnh 1975.

Trên đường về Sài gòn, ngang qua đại lộ Phan Thanh Giản, chúng tôi đã nhìn thấy những căn cứ phòng thủ được vội vàng thiết lập đọc hai bên đường, nhưng Sài Gòn vẫn còn ngơ ngác, chưa sẵn sàng cho một cuộc phòng thủ qui mô rộng lớn trong chiến tranh. Dân chúng hốt hoảng, sợ VC, ủng hộ quân đội Quốc gia, nhưng họ vẫn xem cuộc chiến chống lại VC là của Quân Đội VNCH, người dân chỉ đóng vai trò như một cổ động viên trong một trận tranh tài thể thao không hơn không kém. Những căn cứ phòng thủ được thiết lập lẻ loi trơ trọi, không kết hợp được với địa hình bao quát chung quanh, chưa thiết lập được sự liên kết chặt chẽ cần thiết giữa dân và quân cũng như giữa những đơn vị chính qui và địa phương cho một phòng tuyến liên hợp cần thiết khi chiến tranh đã đi vào thành phố.

Nhìn những lô cốt bằng bao cát nằm lẻ loi trơ trọi hai bên xa lộ, quan sát những tòa nhà cao ốc chung quanh không một sự phòng thủ thích nghi, tôi lo ngại cho sự an toàn bền vững của nhưng chốt phòng thủ nàỵ Chúng là miếng mồi béo bở của một trái B40 hay cối 61 của một toán đặc công vô danh nào đó len lỏi vào các tòa cao ốc trước khi tank hay lưc lượng chính qui tiến chiếm trận địa.

Suy nghĩ bâng quơ một lúc, thì đoàn xe đã đến ngã tư Công Lý và quẹo phải để chạy về hướng Bộ Tổng Tham Mưu. Đến đây, chúng tôi phải chạy chậm lại vì dân hai bên đường di chuyển hỗn loạn khác thường, một số đã nhận ra chúng tôi và bắt đầu hô lên “Biệt Cách Dù về! Biệt Cách Dù Về!” và làn sóng âm thanh ấy từ từ rộ lên nhịp nhàng lấn át cả mọi tiếng động ồn ào trong thành phố và rồi toả rộng ngân vang: Biệt Cách Dù về ! Biệt Cách Dù về ! Biệt Cách Dù về! hoà với tiếng vỗ tay cách nhịp của các em thiếu niên, và trên khuôn mặt hốt hoảng của những người dân đã dấy lên ánh mắt loé sáng của niềm tin. Vâng! chúng tôi, những người lính của chiến trường đẫm máu, đã về thành phố. Bất giác, tay tôi nắm chặt lại, nhìn gương mặt của những người lính vốn đã gan lì nay lại rạng ngời lên ánh mắt cương quyết. Trong lòng chúng tôi như cùng thầm nguyện lời hứa Kinh Kha.

Chúng tôi đổ quân xuống sân vận động quận Nhất, Sau khi bố trí canh gác phòng thủ, các sỉ quan trong biệt đội được lệnh họp và chúng tôi được tiếp xúc với một vị Trung Tá từ Bộ Tổng tham Mưu phái đến. Sau khi sơ lược ngắn gọn tình hình và nhiệm vụ, ông ta dỏng dạc nói: “Các anh là đơn vị cuối cùng được cấp trên tin tưởng đưa về đây phòng thủ BTTM.và chúng tôi tin rằng đơn vị các anh không phụ lòng tin đó.” Sau lời phát biểu ngắn gọn hàm chứa ý nghĩa ủy thác, ông ta lên vội xe jeep về lại TTM, chúng tôi về đơn vị mình và tôi băt đầu làm quen với những người lính chai lỳ có gương mặt lạnh lùng u uất, những nét chỉ có trên những người đã từng về từ cõi chết. Quả thật họ là những người đáng gờm, những người lính lạnh lùng ít nói này sẽ gầm lên như hổ dữ khi chạm trán địch quân.

Chiều hôm đó, chúng tôi được cấp phát mỗi người một bộ quân phục của cán binh VC và được huấn luyện sơ qua về các hoạt động trà trộn trong lòng địch cùng cách xưng hô địch quân thường gọi nhau trong đơn vi.. Mãi sau này, tôi mới biết cấp trên đã dự trù một kế hoạch rút vào rừng và tiếp tục chiến đấu nếu Sài gòn thất thủ. Sau đó, sĩ quan và các trưởng toán dược phát một bản đồ quân sự của Sài gòn.

Chúng tôi đóng quân hai ngày đêm trong sân vận động để dưỡng quân, huấn luyện và cũng để các binh lính và sỉ quan làm quen với đơn vị mới.Sáng ngày 26/04/75, theo từng vùng trách nhiệm đã phân định sẵn, chúng tôi âm thầm rải quân trấn ngự các dịa điểm trọng yếu.Toán Thám Kích do tôi chỉ huy trấn đóng nhà thương Cơ Đốc lúc bấy giờ còn đang xây cất dở dang và một dãy cao ốc đối diện.

Đã được chỉ thị từ trước, tôi cho anh Trung sĩ toán phó chọn hai người lính có kinh nghiệm xử dụng M72, thiết lập hai tổ chống tank di động trải dài dọc theo bờ rào bằng gạch táp- lô (concrete block) nằm cạnh lề đường.Một tổ khác nằm trên cao ốc đối diện. Tôi theo tổ thứ tư đóng ở nhà thương Cơ Đốc. …

Phối trí đơn vị xong thì trời cũng đã đứng bóng, trong lòng tôi đầy ắp những lo âu và căng thẳng tột cùng: giặc vào Đô Thành dân chúng sẽ ra sao.Đánh giặc trong thành phố thật là điều mới mẻ trong kiến thức quân sự nhỏ bé của tôị Từ cao ốc nhìn xuống nhũng dãy phố chung quanh, tôi tưởng như những dãy đồi trùng điệp với nhũng địa dạo bí hiểm bên trong. Trong đầu tôi loé lên kế hoạch xử dụng những toán trẻ đưa tin như Huân tước Baden Powell (ông tổ của Phong trào Hướng đạo) để chống lại sự xâm nhập bằng đặc công của đich. Tôi lịm người thiếp đi trên vai người hạ sĩ mang máy PRC25 với giấc mơ tuổi thơ của những trò chơi lớn. Những đêm mất ngủ lo âu đã kéo đôi mi tôi sụp xuống.
TÌNH QUÂN DÂN:
Tôi giật mình tỉnh giấc vì những tiếng rè rè cuả PRC 25 từ Tổ 1 gọi lại: K a đây Hắc báo ! nghe rõ trả lờị Tôi đáp : 5/5. “Có 02 con tôm đang bò lại nghe rõ trả lời ! 5/5 tôi đáp gọn nhưng trong lòng hoang mang với danh từ mới mẻ nàỵ Cua là tank của địch, én hay chuồn chuồn là các loại phi cơ, còn tôm….tôi đảo mắt nhìn xuống mặt đường, hai chiếc xích lô đang đậu lại, trên mỗi xe là một giỏ cần xé đầy được phủ bao đệm, không biết cái gì bên trong. Tôi giật mình thét lên “Đ.M. coi chừng!” rồi nhảy từ lầu một xuống một đụn cát bên dưới, người Hạ sĩ mang máy cũng nhảy theo. Toán phó H. đã nhanh chóng dẫn tổ ba người của anh tràn lên mặt đường, phối hợp với tổ trực đang gác trên đường để cô lập hiện trường, một mặt kềm chế những chiếc xích lô, một mặt chận đứng giao thông. Tôi đích thân gọi các toán trưởng khác cùng lên máy. Một người đàn bà ăn mặc bình dân từ sau giỏ cần xé của chiếc xích lô bước xuống với vẻ ngạc nhiên lẫn hốt hoảng: ” Tôi đem đồ ăn tới cho lính mình mà”. Trung sĩ nhất H. quay nhìn tôi chờ lệnh.

Thấy hơi quê với đàn em, tôi làm như tay sành điệu, đưa bàn tay phải ra, chúm năm đầu ngón tay lại rồi dùng ngón chỉ của tay kia chạm vào chúm tay nọ rồi bung năm đầu ngón tay ra ( hiệu lệnh lục soát tôi mới học lóm được). H. hiểu ý, sai một lính dưới quyền trải tấm poncho mỏng bên lề đường, (đời lính ăn ngủ và hy sinh gói trọn trong tấm poncho).

Người đàn bà cùng hai phu xích lô lần lượt chất chả và bánh mì xuống poncho dưới sự quan sát cẩn thận của H. rồi tất tả cùng đạp đi như sợ người khác nhận diện, không kịp nhận một lời cảm ơn.Tôi giao cho H. xử lý mọi việc, không quên nhắc anh ta chia đều cho các toán khác và “cúng dường” ban chỉ huy Biệt đội.

Bữa cơm trưa thật ngon miệng, những lát chả thơm ngon lạ lùng sau một tuần lễ gạo sấy , cá hộp làm ấm cả lòng người (ration C chỉ còn là huyền thoại). Nhìn khuôn mặt những người lính tươi lên, có lẽ họ cũng thấy ấm lòng như tôi và tay súng của họ sẽ ghì chặt thêm trong trận chiến.

Trời dần về chiều, những tin tức bất lợi dồn dập đưa tới, tiếng nổ xa gần của đại pháo không làm tôi quan tâm đến nữa.Những chiếc xe buýt chật cứng người được Mỹ cho đặc ân di tản chạy về hướng Tân Sơn Nhất báo trước sự chạy làng của cái gọi là “Đồng Minh”, chúng tôi chỉ chận lại xem xét giấy tờ và tịch thâu tất cả vũ khí trên xe để phòng ngừa rối loạn có thể xảy ra.

Họ ra đi cho bản thân riêng, chúng tôi ở lại vì nhiệm vụ chung của người lính cho đến giờ phút cuối, không mảy may than phiền thắc mắc.

Tối đến trong căng thẳng, sau bữa cơm chiều, tôi ra lệnh cho các tổ giữ vững cách phối trí nhưng thay đổ vị trí để ngừa đặc công. Tổ chỉ huy của tôi di chuyển qua bên kia đường đóng trên một cao ốc. Khuya hôm đó, H. Toán phó, chuyền tay đến tôi một chai Johny Walker với hàng chữ thật dễ thương ghi bên ngoài: “tặng các anh”. Chúng tôi chuyền tay nhau hết chai, đỏ mắt lên chờ sáng.
NGAO DU SÀI GÒN.
Hôm nay đã là ngày 29, 08 ngày mang chiếc lon Thiếu Úy mới toanh trên trên cổ áo với nhũng nhiệm vụ thật mới lạ và bất ngờ không có trong binh thư, tôi cũng đã quen dần với đời sống lính rừng trong thành phố. Suốt gần 04 năm quân trường, có bao giờ tôi nghĩ đến tình huống ngộ nghĩnh như thế này: Đường đường một đơn vị lính trận mà phải chia nhau đứng gác đường như những anh chàng cảnh sát bạn dân không bằng. Thật rõ chán, lòng lại nóng như lủa đốt vì những tin tức bất lợi dồn dập đưa đến không ngừng qua các đài phát thanh. Đất nước tan hoang, gia đình di tản không nơi ăn chốn ở.

Người yêu duy nhất của tôi lúc bấy giờ đã một lần đến thăm tôi nắm tay để nói lời từ biệt, Nàng muốn ra đi với một ông lớn nào đó trong Bộ Dân Vận Chiêu hồi, nơi Nàng đang làm việc.Lòng tôi thật rối như tơ vò nhưng ngoài mặt vẫn lạnh như băng.

Tội nghiệp những người lính đang trông chờ tất cả vào tôi, họ nhìn thẳng vào mắt tôi mỗi khi có biến động dầu chỉ là tiếng nổ của đạn pháo xa xa.

Quả thật phòng thủ không phải là sở trường của một đơn vị đầy tính chất linh động như thế này.Và chúng tôi bắt đầu cảm thấy mình như những con vật nửa người nửa ngợm. Bộ đồ dù này chỉ đẹp trong những buổi sớm chiều trong rừng già trùng điệp, hay trên bãi chiến trường khét mùi thuốc súng.

Ngày 29 trôi qua thật nhàm chán, thỉnh thoảng chỉ nghe vài tràng liên thanh nhỏ, không khí ngột ngạt, một sự yên lặng ngấm ngầm ghê rợn. Lệnh tử thủ vẫn được nhấn mạnh từ Bộ Tư lệnh tiền phương. Trong ánh mắt những người lính gan lì đã thoáng lên sự nhàm chán. Tôi chợt nghỉ ra một cách để giải khuây: Hai tiếng đồng hồ phép cho tất cả mọi người, một quyết định thật táo bạo trong tình huống bấy giờ, nhưng không biết tại sao tôi lại tin tưởng hoàn toàn ở những người lính chịu chơi nàỵ.

Tôi im lặng phối trí lại các tổ tam đầu chế, mỗi tổ có một người biết đường đi nước bước ở Sài Gòn. Đúng 08 giờ tối, tôi cho tổ đầu tiên âm thầm lên trình diện.

Tôi ra lệnh ngắn gọn:

Tao cho tụi bay đi chơi, đúng hai tiếng, mổi đứa chỉ được mang theo một trái mini, súng đạn để hết lại đây, thằng tổ trưởng giữ cây P38 này của tao nghe. Đi về cho đúng giờ để thằng khác còn đi. Nhớ cẩn thận.

Đầu tiên là ngạc nhiên và sau đó là những nụ cười sáng rỡ, hồn lính thật ngây thơ. Một tiếng dạ ngắn rồi ba chàng Ngự Lâm biến mất trong màn đêm, tôi bắt đầu lo âu chờ đợi…Và họ đã trở về đầy đủ, đúng giờ với những nụ cười hồn nhiên pha một chút bẽn lẽn khi nghe tôi hỏi “Dzui không tụi bay”.

Khi các tổ đã về đầy đủ, tôi cũng tự cho phép tôi, mượn chiếc Honda, chạy vội về thăm gia đình đang tạm trú ở nhà người quen gần đó sau khi di tản từ Qui Nhơn. Tôi chỉ kịp ôm hôn Mẹ tôi, trấn an Bà vài câu rồi vội vã ra đi, mang theo ánh mắt luyến lưu chịu đựng của một bà Mẹ VN tiễn con đi trong những giờ phút cuối.
ĐÔI CO TRÊN LỬA ĐỐT
Khoảng 5 giờ rạng sáng ngày 30 tháng tư, toán thám kích chúng tôi như một chú sư tử ngái ngủ trong cũi sắt giữa một thanh phố bỏ hoang. Bỗng nhiên tiếng gầm của đại pháo và súng chống tank vang lên dữ dội từ hướng Lăng Cha Cả, cùng lúc tiếng rè rè của máy PRC25 vang lên, tôi vươn mình chụp vội cần liên hợp không kịp chờ anh Hạ sỉ mang máy.Lệnh chuẩn bị hành quân từ Đ/U Biệt đội trưởng.

Qua đối thoại ngắn ngủi, tôi biết rằng biệt đội đang chận đứng một đoàn Tank của cọng quân không rõ bao nhiêu chiếc và đã nướng được 04 con. Chúng tôi được lệnh chuẩn bị thật nhẹ để nhảy chân chim, một lối nhảy trải mỏng từng tổ một và thay đổi vị trí liên tục để gây hoang mang trên đường tiến của địch quân. khu vực và phương tiện sẽ được chỉ định sau.

Tôi ra lệnh cho thuộc cấp chỉ mang theo những trang bị nhẹ nhàng nhất và chuẩn bị tinh thần cho những trận cận chiến và chống Tank. Vài người lính rút chiếc dao găm ra ngắm, liếc nhẹ vào nòng súng vài cái, đút lại vào bao rồi vỗ mạnh, tôi biết họ đã sẵn sàng và thật điệu nghệ. Có người còn nhổ một bãi nước bọt vào nòng súng, có lẽ vì một thói quen cố hữu.

Chúng tôi nóng lòng đợi chờ lệnh hành quân như những con ngựa chiến bị ghìm cương, mắt trợn trừng lồng lộn, bạn bè cùng đơn vị chúng tôi đang sống chết với giặc ngoài kia, sao chúng tôi đành ôm vó đợi chờ vô tích sự, và tôi như một chàng trai tân đang chờ đợi cuộc hẹn đầu đời với con gái của Ma Vương.

Cái đợi chờ làm tôi bồn chồn nóng nảy lẫn lo âu như một chú cá đang bị nướng sống trên lò lửa nóng, mắt tôi đỏ gừ, hơi thở dồn dập, mặt tôi tê dại đi không còn cảm giác. Tôi cắn chặt hàm răng, cố thở thật sâu để nén đi cảm xúc của mình rồi lừ mắt nhìn thẳng vào mặt của từng người lính. Bất giác, tôi chưởi thề lớn tiếng: ĐM. tao như đứng trên lửa… và cứ thế thời gian trôi qua như thử thách sự dẻo dai của những dây thần kinh đang căng thẳng đến cùng cực. Để đốt thời gian, trấn an tinh thần lính, tôi trải rộng tấm bản đồ, định hướng chính xác, rồi gọi các tổ trưởng đến phân tách và giải thích từng cứ điểm quan trọng trong vùng.

Tuy sẵn sàng nhưng chúng tôi vẫn duy trì nhiệm vụ của mình trong vùng trách nhiệm, các tổ vẫn thay phiên nhau cho người đứng gác đường, chứng tỏ sự có mặt của mình để duy trì trật tự. Đang trong tình thế căng thẳng đó, một sự kiện buồn cười nhưng cảm động xảy đến làm tôi nhớ mãi.

Người đứng gác đường lúc bấy giờ là một anh Trung sĩ tổ trưởng với bộ quân phục đẹp nhất mà anh có được trong túi quân trang. Bỗng nhiên, có chiếc cyclo đậu xịch lại sát bên anh, mọi người đều giật mình chưa kịp phản ứng thì một cô gái trẻ ăn mặc diêm dúa nhảy ra, cô ta cười toe toét, ăn nói líu lo rồi rút ra một xấp tiền dúi vào tay anh chàng Trung sỉ trẻ, anh ta đẩy tay cô này ra, nhìn về hướng tôi có vẻ lo lắng vì tôi rất nghiêm ngặt trong nhiệm vụ đứng gác này , sau một hồi đôi co, cô gái tìm cách dúi đại tiền vào túi quần trận của anh Trung sĩ rồi leo lên cyclo chạy đi mất.

Tôi ra lệnh cho người khác lên thay gác, kêu anh chàng này đến chấn chỉnh để làm gương. Anh Trung sỉ này chỉ biết gãi đầu bứt tai rồi phân trần với giọng đặc sệt miền Nam:

“Hồi hôm, Trung úy cho tụi em đi chơi (lại lên lon), em quằm con nhỏ này, tiền bạc đàng hoàng, sáng nay ngang qua đây, nhận ra mặt em đứng gác, nó tội nghiệp, nằng nặc đòi trả tiền lại cho được.”

Tôi mĩm cười trong bụng, ra lệnh anh ta quay lưng lại, đá nhẹ một cái vào đít cảm thông. Anh ta xoay người chào tôi với nụ cười trên khoé mắt rồi vội vàng chạy đi thi hành tiếp nhiệm vụ canh gác đang được tạm thời thay thế.
NGƯỜI LÍNH MANG MÁỴ
Lúc bấy giờ đã hơn 10 giờ 30 phút trưa ngày 30, lệnh tử thủ vẫn được duy trì, lệnh hành quân tôi vẫn đang chờ đợi mặc dù trên đài phát thanh, Tướng Minh đã tuyên bố và kêu gọi đầu hàng. Chúng tôi, những người lính, chỉ biết tuân lệnh cấp chỉ huy trực tiếp của mình. Tôi thấy được trong ánh mắt lính sự hoang mang, trong lòng tôi cũng tự đặt câu hỏi không biết phải làm gì.

Tuy đã quá mệt mỏi với sự đợi chờ và lo âu kéo dài, nhưng tinh thần trách nhiệm trong tôi vẫn còn tỉnh thức: mạng sống của thuộc cấp và sự an toàn ổn định của người dân trong khu vực trách nhiệm lúc bấy giờ là mối quan tâm chính yếu của tôi.

Trên vai trái hai khẩu M72, trong túí áo 04 trái mini, vai phải là cây M16 với cấp số đạn đầy đủ trong túi quần, giắt khẩu P38 ngắn nòng vào dây nịt dưới chiếc áo 4 túi, tôi cố gắng tạo cho mình một dáng đi chững chạc bình tỉnh dẫn anh Hạ sĩ mang máy đi một vòng thăm hỏi nói chuyện với từng người lính, tinh thần họ hơi xao động vì không biết việc gì sẽ xảy ra, nhưng những người lính gan lì này vẫn quyết tâm sát cánh bên tôi cho đến giờ phút cuối, thật không hổ danh là những con cọp biết nhảy dù. Không biết tôi trấn an họ hay chính họ đã làm lòng tôi ấm lại và vững vàng hơn.

Tôi biêt rằng một sơ sẩy của tôi trong lúc này có thể đưa đến cái chết thật oan uổng cho những người lính quả cảm trung thành ấỵ Chúng tôi như keo sơn sống chết có nhau, quan cũng như lính, sự hiểm nguy thật công bằng trong những đơn vị nhảy toán này. Đây đã là giờ thứ 25, tất cả đều im lặng vô tuyến, tôi rít một hơi thuốc dài cuối cùng rồi dùng ngón tay bóp nát đóm thuốc lúc nào không biết. Mãi lo nghĩ đến sự an nguy của thuộc cấp, tôi quên hẵn đi thân phận của chính mình.

Đang suy nghĩ vẫn vơ, bỗng nhiên, một chiếc Peugoet 404 màu trắng bóng loáng thắng rít cạnh lề đường, gần chỗ tôi đang đứng, một người đàn bà đứng tuổi, ăn mặc sang trọng xuống xe, chạy vội lại ôm chầm lấy người hạ sĩ mang máy, bù lu bù loa:

- Con ơi con! sao giờ này con còn ở đây con! về với má đi con.

Trong tình huống này, tôi không biết phải làm gi, có nên giữ anh ta ở lại đơn vị trong giờ phút thứ 25 này không?. Suy nghĩ thoáng nhanh trong đầu, tôi vội bước lui vài bước, quay đi hướng khác, để tùy anh ta định đoạt. Qua ánh nắng đỗ nghiêng, tôi thấy bóng anh ta quay lại phía tôi im lặng hồi lâu, rồi với giọng trầm buồn nhưng quả quyết:

- Má về đi, con ở lại với Thiếu uý à.

Tôi bất giác quay lại nhìn anh, nén vội dòng lệ đang trào dâng lên mắt. Tình đồng đội, tinh thần trách nhiệm hay khí phách của một người trai đã giữ anh ở lại với chúng tôi trong những giờ phút cuối cùng tuyệt vọng đó. Đơn giản quá một câu trả lời ngắn ngủi, nhưng nó hàm chứa tâm tình của một hào kiệt, và tâm tình đó không thiếu trong đơn vị dù mũ xanh này.

Người Mẹ không biết làm gì, quay lại phía tôi với ánh mắt nhìn cầu cứu, một lần nữa tôi lại phải ngoảnh mặt để tránh đi một tình huống ngỡ ngàng khó xử. Trong đầu tôi thoáng hiện lên hình ảnh luyến lưu chịu đựng của Mẹ tôi đêm hôm trước.

- Thôi, Mẹ về, con nhớ lời Mẹ dặn.

Bà chỉ nói được bao nhiêu, rồi ôm chầm lấy con thổn thức. Người lính mang máy đứng thẳng người, hai tay trong túi quần trận, đầu ngẫng cao, cắn chặt răng, quai hàm bạnh ra, trông anh vững vàng như một cổ thụ đang cố đè nén những cơn bão táp phong ba dữ dội trong lòng.

Người Mẹ sau đó lau vội nước mắt, đi chậm chậm về hướng chiếc xe, tôi đưa mắt ra hiệu cho anh trung sỉ toán phó đang ở gần đó đến mở cửa đứng chờ. Bà lẳng lặng bước lên xe nổ máy, ngồi nhìn con một lúc rồi từ từ lái xe đi sau khi quay lại đón nhận cái gập mình cúi đầu chào tôn kính của tôi.

Quả cảm thay người lính, bao la thay lòng hy sinh của người Mẹ trong chiến tranh. Lòng tôi chạnh lại dưới ánh nắng dã dượi của Sài gòn trong ngày tàn cuộc.
ĐỊT MẸ NÓ, ĐẦU HÀNG RỒI
Lòng bàng hoàng xúc động về lòng trung thành của anh Hạ sĩ mang máy đối với đơn vị, tôi ngẩn ngơ đứng lặng người, nhìn bâng quơ lên bầu trời ám khói hanh vàng.
Lúc bấy giờ đã gần 11 giờ, dân chúng di chuyển tấp nập, thỉnh thoảng họ lén đưa ánh mắt ái ngại nhìn về phía chúng tôi. Họ đang nghĩ gì về chúng tôi?: những nhân chứng của chiến tranh, hình ảnh hào hùng đã trôi vào quá khứ, hay những hình nộm được trưng bày không đúng thời hợp lúc. Mặc cho những suy nghĩ thị phi, chúng tôi vẫn chu toàn nhiệm vụ của mình trong vùng trách nhiệm: bảo vệ mạng sống của binh sĩ dưới quyền và sự an toàn ổn định của người dân cho đến khi có lệnh mới.
Một tràng M16 nổ dòn tan kéo tôi ra khỏi những suy nghĩ vẩn vơ, tiếp theo là tiếng thét thất thanh phẫn nộ :”Địt mẹ nó! Đầu hàng rồi. Địt mẹ nó! đầu hàng rồi.Một toán lính Dù gồm một người có vẻ là cấp chỉ huy và 3 người lính xuất hiện ở ngã ba cuối phố, họ di chuyển về phía chúng tôi không được bình tĩnh. Thỉnh thoảng, người chỉ huy bắn một tràng M16 rồi lại thét lên: “Địt mẹ nó! Đầu hàng rồi.” Trên vai anh, một dòng máu chảy dài xuống cánh tay còn nhỏ giọt, ba người lính với khuôn mặt đanh lại lạnh lùng im lặng đi theo bảo vệ.
Tôi ra dấu cho thuộc cấp giữ ổn định tại vị trí của mình. Chúng tôi đã dùng áp lực tước vũ khí nhiều toán quân lẻ tẻ không tổ chức khi họ qua phòng tuyến của chúng tôi để vào Sài gòn nhằm tránh những hỗn loạn đáng tiếc trong thành phố. Nhưng đây là một trường hợp thật nguy hiểm và khó khăn.

Chúng tôi tôn trọng những người anh em lính Dù mũ đỏ này với những chiến công lừng lẫy. Nhìn tình đồng đội của họ trong hoàn cảnh tuyệt vọng hiện nay cũng đủ thấy tinh thần và hiệu quả chiến đấu của họ như thế nào khi lâm chiến. Làm sao đây để chận đứng những hành động nguy hiểm chết người có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong cơn cuồng nộ phẫn uất ấy.
Một suy nghĩ táo bạo thoáng qua trong đầu, tôi lột chiếc nón sắt đưa cho một thuộc cấp, gác hai khẩu M72 bên vệ đường, rút trong túi áo ra chiếc nón xanh của binh chủng đội lên đầu, mang cây M16 trên vai, khoác tay ra dấu cho thuộc cấp cùng đứng lên, rồi với thái độ bình tĩnh ung dung, tôi dẫn anh Hạ sĩ mang máy chậm bước đến vị trí người lính đang đứng gác giữa đường. Một tràng M16 nữa lại nổ vang, toán lính Dù này chỉ còn cách chúng tôi khoảng 30 thước, và họ vẫn chưa nhận thấy sự hiện diện của chúng tôi. Họ tiến gần chúng tôi khoảng 20 thước nữa, một tràng đạn chỉ thiên lại nổ dòn trên không. Tôi hít một hơi thở sâu, dùng hết sức thét lên
” N-G-H-I-Ê-M “. Đúng là Lính, họ giật mình dừng lại nhìn quanh, thấy chúng tôi với quân trang và vũ khí đầy đủ, có lẽ cảm thấy ấm lòng trong vùng kiểm soát của một đơn vị bạn, họ dừng chân và hơi bình tĩnh trở lại, chúng tôi nhìn nhau, chung bộ đồ Dù, một là chiếc nón đỏ với những trận chiến vang danh, một là chiếc nón xanh với những hoạt động biệt cách đởm lược. Tôi tiến đến bắt tay anh, người chỉ huy toán lính Dù quả cảm. Chúng tôi im lặng nhìn nhau, anh vẫn còn thì thào : Địt mẹ nó!……
Tôi đích thân đưa anh vào một căn bỏ trống trong tòa cao ốc, kêu toán phó băng bó vết thương ở vai và lưng cho anh rồi vội vã bỏ ra ngoài sau khi đưa cho anh chiếc áo dù còn mới toanh của tôi để thay chiếc áo đã bết máu khô. Ba người lính Dù vẫn lặng lẽ bám theo anh không rời một bước.
Tôi không nhớ anh mang cấp bậc nào, nhưng chỉ biết toán lính Dù này rút về đây khi trại Hoàng Hoa Thám đã hoàn toàn thất thủ. Sau khi chuyện trò thuyết phục, họ đã đồng ý ở lại với chúng tôi và trở thành một tổ mới trong toán. Về sau toán lính Dù này đã theo chúng tôi cho đến tọa độ cuối cùng.
TOẠ ĐỘ CUỐI CÙNG.
Thời gian như dừng lại, cái nắng ảm đạm của Sài gòn như chuyên chở tâm tư tôi trở về với những thực tại phũ phàng:
Sụp đổ rồi ư những hoài bão ước mơ vá trời ngang dọc, có làm được gì không trong cơn tuyệt vọng cùng đường này.
Đầu óc tôi trống không mụ mẫm. Cổ họng tôi khô quánh lại. Những người lính của tôi dễ thương và tội nghiệp quá, làm sao để bảo vệ mạng sống của họ trong hiện tại và dẫn dắt họ trong đời sống vô định của một tương lai đen tối. Vì trách nhiệm, tôi bám chặt họ để làm lẽ sống.Vì quả cảm trung thành, họ quyết theo tôi cho đến bước đường cùng. Tôi đứng như trời trồng, nhìn sững xuống chân thấy bóng mình dần thu ngắn lại.
Tiếng rè rè của PRC25 làm tôi giật mình, đích thân Đại úy Biệt đội trưởng ra lệnh hành quân, các sĩ quan trong ban chỉ huy Biệt đội đã đồng ý một kế hoạch rút quân về toà nhà Quốc Hội, giá súng tại đây, tuyệt đối không buông súng trong vùng trách nhiệm. Trung đội Thám kích mở đường và tập hậu, chiếm các cao ốc làm điểm tựa cho cuộc rút quân.
Tôi tê dại đánh rơi cần liên hợp xuống mặt đường. Vậy là hết !…
Sững người trong phút chốc, tôi buông thõng:
- Đi .
- Đi đâu thiếu uý. Người toán phó nôn nóng hỏi.
Tôi nhìn anh ta với đôi mắt ngầu lên uất hờn tủi nhục rít qua kẽ răng đang nghiến chặt:
- Lệnh hành quân về quốc hội. Tôi đáp gọn rồi kịp quay đi dấu đôi dòng lệ trào tuôn không cầm được.
Biệt đội đã bắt đầu di chuyển, ba toán nhảy theo chân sáo mà điểm đậu là các tòa cao ốc để bảo vệ các trung đội xung kích di chuyển trên mặt đường. Toán chúng tôi tuy vẫn giữ nguyên tắc tổ tam đầu nhưng tụ lại cho ấm cúng hơn.
Bỗng nhiên, tiếng máy của T54 đồng loạt gầm lên trên khắp ngã đường, những khối sắt đen đồng loạt bò ra dừng lại án ngữ những điểm chính yếu rồi đứng lại đe dọa, có tiếng click nhẹ của những khẩu M72 dương nòng, tôi chưa kịp phản ứng gì thì nhìn quanh, những người lính thiện nghệ của tôi đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu, tôi vụng về dương nòng cây M72 rồi ẩn mình sau một gốc cây lớn vệ đường quan sát.
Một sự im lặng căng thẳng cùng cực, T54 gục nòng trong tư thế trực xạ, M72 đã sẵn sàng với biểu xích đã bật lên, súng ghìm súng, mắt long lên theo từng động tỉnh của đối phương, chỉ cần một tiếng súng nổ là khai hỏa một trận chiến không ai lường được hậu quả. Lúc bấy giờ khả năng tham chiến của biệt đội 817 chúng tôi vẫn đầy đủ.

Chiến công cuối cùng của Biệt Đội 817 Liên Đoàn 81 BCD ngay giữa Thủ đô Sài Gòn sáng ngày 30-04-1975

Đang trong phút im lặng tử thần đó, một sĩ quan, nếu tôi nhớ không lầm là một toán trưởng kỳ cựu trong trung đội thám kích, một cánh tay phải của Biệt đội trưởng, đứng thẳng người, mạnh dạn bước ra, nhìn về hướng Biệt đội trưởng như chờ sự chấp thuận. Nhận được thủ lệnh, anh từ tốn cởi bỏ vũ khí để xuống mặt đường, rồi dỏng dạc bước ra đứng giữa đường lớn tiếng:
- Chúng tôi, biệt đội 817 Biệt cách Dù, chúng tôi không buông súng trong vùng trách nhiệm, chúng tôi đang hành quân về quốc hội để trả vũ khí lại cho dân. Giọng anh sang sảng bằng tiếng Bắc 54.
Phía đối phương không động tĩnh một hồi lâu, có lẽ họ đang liên lạc để chờ lệnh trên hay để đánh giá lực lượng chúng tôi trước khi quyết định việc gì. Sau đó, từ chiếc T54 phía sau, một người bên đối phương bước xuống nói chuyện với anh Sĩ quan toán trưởng này, hai bên tranh luận dằng co, lúc nhẹ nhàng, khi lớn tiếng, cuối cùng, anh toán trưởng quay trở lại, khuôn mặt đỏ ngầu. Vì sự an nguy của đồng đội, anh đã cố nén đi sự phẫn nộ, có lẽ anh đã quen nói chuyện với địch quân bằng một phương pháp cứng rắn hơn.
Sau khi về lại vị trí, anh toán trưởng này đã gọi mọi người cùng lên máy và chúng tôi nói chuyện bằng bạch văn.
Tôi được biết đối phương đã đồng ý để chúng tôi tiếp tục hành quân về toà nhà quốc hội, nhưng hai bên cùng thỏa thuận: trên lộ trình hành quân, nếu gặp nơi đối phương đang trú quân, chúng tôi phải vác súng lên vai và ngược lại, khi chúng tôi nghỉ chân thì bất cứ đơn vị nào của đối phương đi chuyển qua cũng phải vác súng lên vai không được ở tư thế tác chiến.
Đại úy Biệt đội trưởng ra lệnh tiếp tục hành quân.
Chúng tôi câm lặng di chuyển, trong lòng thấm dần niềm đau nỗi nhục, nhìn quang cảnh phố phường lẫn lộn đỏ xanh của màu cờ gạt lừa dối trá.
Dân chúng hai bên đường nhìn chúng tôi như những bóng ma đang đi chuyển trong một nghĩa địa hoang tàn của Sài gòn sau cơn binh lửa.

Đến ngã tư Trương minh Giảng- Công lý, một lần nữa tiếng gầm rú của T54 lại vang lên như đang cố gắng nghiền nát tinh thần chúng tôi. Đối phương đã huy động một lực lượng chiến xa lẫn chủ lực đáng kể nhằm khống chế chúng tôi tại chỗ. Toán nhảy tiền phương đã bị chận đứng không thi hành được nhiệm vụ vì đối đầu với những khẩu 3.5 đang theo dõi bước chân của từng người lính thám kích. Nhìn chung quanh, đại pháo của chiến xa trên các ngã đường dang gục nòng sẵn sàng khai hoả.Toán nhảy tập hậu đã gọi về báo một tình trạng tương tự ở sau lưng, trên các cao ốc đối phương đã hoàn toàn trấn giữ.
Chúng tôi nhìn nhau không biết phải làm gì, Biệt đội trưởng lắc đầu chậm chạp, từng khuôn mặt lặng câm không cảm xúc. Một cảm giác tê dại chạy khắp người tôi từ bàn chân lên đến đỉnh đầu.Tâm trí hoàn toàn trống không, tôi đứng như trời trồng uất nghẹn, mắt trợn trừng nhìn vào cõi hư vô, tai ù lên chỉ còn nghe tiếng mạch máu nhảy lên trong lồng ngực. Tôi nói như trong mơ:
- Các anh về với gia đình đi.
…………………………

Từng người lính rời xa, trái tim tôi quặn thắt.
…………………………

Tôi không nhớ việc gì đã xảy ra sau đó, nhìn chung quanh trống vắng lạnh lùng, nòng đại pháo trên các chiến xa T54 vẫn còn nhìn tôi với con mắt chột đen ngòm lạnh lẽọ
Tôi lặng lẽ trút bỏ quân trang và vũ khí trên người, giắt khẩu P38 ngắn nòng vào thắt lưng, đặt chiếc nón sắt nhẹ nhàng xuống một gốc cây gần đó, rút chiếc nón xanh của binh chủng đội lên đầu, vuốt sơ lại bộ quân phục đã nhàu nát và bước đi giữa những vết tích tàn lụn ngổn ngang của binh sĩ, như kẻ mộng du, nhắm về hướng Suối Máu, như loài cá vô tri tìm về nơi chốn đã khởi đầu một cuộc hành trình dĩ vãng.
Tôi bước đi như vào chốn không tên, tất cả giác quan đều ngưng hoạt động, mắt nhìn đăm đăm trơ dại, tai ù lên những tiếng vo ve nhức nhối, miệng lưỡi đắng khô và chân tôi đều bước nhịp quân hành…..Lúc bấy giờ trời đã nghiêng bóng, có lẽ đã hơn 2 giờ……..
- Niên ttrưởng! Niên trưởng! Trời ơi, giờ này mà Niên trưởng còn mặc đồ này đi coi chừng tụi nó bắn chết.
Một khoá đàn em hay một nguời lính nào đó nắm tay tôi, vừa la thất thanh vừa kéo tôi vào một hẻm nhỏ bên kia cầu xa lộ . Anh ta dằng lấy nón, cởi phăng áo tôi ra, rút khẩu P38 gói vào trong áo chung với chiếc nón xanh dấu vào một góc nhà, rồi khoác vào tôi một chiếc áo sơ mi cũ nhàu nát loang đốm vết dầu.Sau đó quăng cho tôi một chiếc quần cũng nhàu nát không kém và một đôi dép Nhật, tôi lặng lờ theo lời anh thay đôi giày và chiếc quần trận ra như một kẻ không hồn.
Anh dẫn tôi ra lại xa lộ, nắm tay khẽ bảo: Niên trưởng về nhà đi.
Và tôi lại lững thững bước đi…..Như một xác âm binh lạc lối……

Bước chân tôi dừng lại trước căn nhà trọ của gia đình đã di tản từ Qui nhơn hơn tháng qua . Nhìn qua khe cửa hé mở, tôi thấy Mẹ tôi ngồi im lặng một góc theo lối Kiết già, Bà đang niệm Phật để nguyện cầu cho Quốc thái Dân an, hay cho hai đứa con trai đang còn mãi mê ở chiến trường đâu đó. Tôi khẽ lách cửa bước vào, hai người chị gái tôi ngồi bệt dưới đất trong tư thế đợi chờ ngột ngạt không biết chuyện gì sẽ xảy đến.
- Mạ! tôi khẽ kêu lên.
Cả nhà nhìn lên tôi, ngạc nhiên, sững sờ, bể dâu của cuộc đời đã thể hiện cả lên hình hài tôi qua bộ đồ dân sự nhàu nát.
Mẹ tôi nhìn tôi từ trên xuống dưới, cái nhìn đau đớn đến vô hồn của một bà Mẹ đi nhận xác con.
Vâng! con của Mẹ đã chết trong ngậm ngùi, mang theo những hoài bão ước mơ vá trời lấp biển, và nó đang về đây với cái xác không hồn từ cõi âm ti…..

Tôi viết lên những dòng chữ này để nhớ đến những người lính quả cảm trung thành cùng binh chủng. Đây là dấu tích sau cùng của riêng tôi trong đoạn đường binh nghiệp ngắn ngủi .

Trong những ngày cuối tháng tư đen, hảy chia xẻ niềm đau với biết bao nhiêu người trai trẻ đã bị sống trong cảnh bức tử oan nghiệt .
Thượng cấp, vì quá lệ thuộc vào ngoại bang, đã tước bỏ đi của chúng tôi cái quyền căn bản của các cấp sĩ quan trẻ đầy lý tưởng và nhiệt huyết:

QUYỀN ĐƯỢC CHIẾN ĐẤU ĐỂ ĐI ĐẾN CHIẾN THẮNG HOẶC HY SINH BÊN CẠNH NHỮNG NGƯỜI LÍNH THÂN YÊU.

Khóa 28 Võ Bị Đà Lạt
lebancung.gif

No comments:

Post a Comment