Monday, April 9, 2012

Trên Phòng Tuyến Ngã Ba Dầu Giây / NHỮNG UẤT HẬN TRONG TRẬN CHIẾN MẤT NƯỚC 1975

 
Trích từ tuyển tập “NHỮNG UẤT HẬN TRONG TRẬN CHIẾN MẤT NƯỚC 1975” của Phạm Huấn
Trên Phòng Tuyến Ngã Ba Dầu Giây
“6 giờ chiều ngày 13-4-1975, sau 15 phút Cộng quân bắc loa kêu gọi đầu hàng tại Ngã Ba Dầu Giây, Long Khánh, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52 Bộ binh còn khoảng 50 tay súng, cùng bố trí sau những gốc cây cao su chờ giặc đến. Tôi liếc nhìn Trung đội 3 của mình còn đúng 12 người. Những đạn đại pháo, súng cối đủ loại của Bắc quân rót vào. Tiếng lựu đạn nổ chát chúa, tiếng la thét hãi hùng, tiếng rên siết đau noun và rồi “tiếng hô sóng vỗ” của biển người. Tôi gục xuống trên xác một bạn đồng đội, người đầy máu..."
Đó là một trận chiến tồi tệ. Một trận đánh bi thảm mà những người lính cuối cùng của Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52, Sư đoàn 18 Bộ binh phải chấp nhận, gánh chịu. Chiến đấu không yểm trợ, không tản thương, không hy vọng, và trong trạng thái hoang mang, hỗn loạn đến thảm não. Đứng lên một lần cuối cùng trực diện với quân thù, để rồi ngã xuống như những người khác, hay nếu có một may mắn nào đó, sẽ thoát được bàn tay tử thần ở trong họng súng của những kẻ xâm lăng, khát máu. Đời lính, chết là chuyện thường tình. Vấn đề chỉ là bao giờ đến lượt mình? Trong chiến tranh Việt Nam, một cuộc chiến được coi là thảm khốc, dã man nhất của nhân loại từ 30 năm nay, đã có biết bao nhiêu những người lính của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà, nếu được chết cách đây 2 năm, trước khi Hiệp định Ba Lê đầu hàng Cộng sản được ký kết, đó là một niềm hãnh diện, chết cho Đất Nước, chết cho sự tự do của những người khác. Trong trận chiến cuối cùng năm 1975, với tôi, nếu bị chết, chỉ là một cái chết tức tưởi, oan khiên. Tôi tiếp tục cầm súng chiến đấu vì cấp chỉ huy của tôi chưa bỏ chạy, và vì không muốn thấy 12 người lính còn lại dưới quyền khinh thường. Do đó, bỗng nhiên tôi trở thành “người lính cuối cùng” của Trung đội 3, Đại đội 2, Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52, Sư doàn 18 Bộ binh!
Đó cũng là điều thành thật nhất tôi muốn được nói ra, để giải thích một cách lương thiện rằng tôi không phải là một Trung đội Trưởng anh hùng. Xin hãy dành từ ngữ anh hùng để vinh danh những chiến sĩ can đảm, xứng đáng khác của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa.
Đầu tháng 4, 1975, sau khi các mặt trận Quân đoàn I và Quân đoàn II lần lượt tan vỡ, chiến tuyến Long Khánh được thiết lập ngày 8-4-1975 để chận sức tiến của các Sư đoàn Cộng sản Bắc Việt trên đà đánh chiếm Sài Gòn. Chiến đoàn 52 Bộ binh được lệnh rời bỏ tuyến đầu của Quân đoàn III, vùng Núi Đốt, phía Nam Định Quán, dọc theo Quốc lộ 20, đường đi Đà Lạt, di chuyển về Ngã Ba Dầu Giây. Phòng tuyến mới của Sư đoàn 18 Bộ binh bây giờ bắt đầu từ Dầu Giây, dọc theo Quốc lộ 1, khoảng 18 cây số chiều dài, và 7 cây số chiều rộng (trên Quốc lộ 20, đoạn Ngã Ba Dầu Giây).
Trước khi có lệnh co rút về phòng thủ tuyến Ngã Ba Dầu Giây, Chiến đoàn 52 với những Chi đội Thiết giáp tăng cường trong tuần lễ cuối cùng của tháng 3, 1975 lên thay thế vùng trách nhiệm của Trung đoàn 43 Bộ binh, trấn đóng phía Nam quận Định Quán, dọc theo Quốc lộ 20, “Tuyến đầu Tổ Quốc” trên đường lên Đà Lạt thơ mộng, thành phố của hoa anh đào và những chiếc “Alpha” mầu đỏ, trong những ngày cuối tháng 3, 1975, thật buồn thảm. Từng đoàn người lếch thếch, lũ lượt gồng gánh đi xuống. Ngược lên, kể cả những chiếc quân xa chạy vội vã, không có xe cộ nào vượt khỏi địa điểm đóng quân của Tiểu đoàn 1, Chiến đoàn 52 Bộ binh. Ban đêm từ Núi Đốt, đỉnh cao nhất, phía Tây Nam Định Quán khoảng 15 cây số, có thể quan sát thấy những xe tăng và những đoàn Molotova chở quân của Bắc Việt chạy khơi khơi trên Quốc lộ 20. Bộ Chỉ huy Hành quân Chiến đoàn 52 xin phản lực lên đánh, nhưng chỉ thấy máy bay quan sát gởi tới bay lượn một hồi rồi bay luôn.
Lần không yểm cuối cùng cho tuyến Núi Đốt, Định Quán, 2 trái bom 500 cân Anh rớt trúng xuống Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 43, khiến gần 200 thương vong. Các Tiểu đoàn 2/43 và 1/52 là những Tiểu đoàn ưu tú, vũ bão nhất của Sư đoàn 18 Bộ binh. Những đơn vị đã nổi danh với những chiến thắng lẫy lừng tại Chiến khu D, và vùng Bến Cát trong năm 1974. Hai chiếc thiết giáp T-54 và PT-76 do Tiểu đoàn 1/52 “bắt sống” cách đây mấy tháng đã được lính Sư đoàn 18 chạy thẳng về Dinh Độc Lập, Sài Gòn để Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu chiều chiều ... thưởng lãm. Chính các đơn vị này làm cho những người lính của Sư đoàn 18 ngẩng mặt cao lên, quên đi cái mặc cảm là lính của “Sư đoàn 10 số bù” trước đây, đa số là “lính ma, lính kiểng” và được chỉ huy bởi một ông Tướng tham nhũng nhất quân đội thời đó. Và “rửa mặt” cho Tướng Lê Minh Đảo, vị Tư lệnh cuối cùng và anh hùng của Sư đoàn 18 Bộ binh, dập tắt những lời tố cáo dựng đứng của những con buôn chính trị bất lương, đã nói rằng chức vụ này được mua với giá 20 triệu đồng, qua “đường giây Bà Thiệu”!
Vị Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2/43 là một sĩ quan thuộc binh chủng Mũ Nâu trước đây. Ông nổi tiếng với lối đánh ào ạt, thần tốc trong đêm tối. Ban ngày nhẩy vào vùng địch, nhưng chỉ là đánh “nhứ” để quan sát địa thế, và ước lượng tình hình, khả năng thật sự của địch, tối đến mới là đánh thật. Và đã đánh đêm là phải thắng. Đó cũng là quy luật của đơn vị này! Hai trái bom 500 cân Anh thả lầm xuống Tiểu đoàn 2/43 là một đại bất hạnh, một thiệt hại lớn lao chung cho tất cả các đơn vị thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh. Vị Tiểu đoàn Trưởng tài ba, anh hùng nếu còn sống, chắc chắn sẽ điên loạn; vì ông thương yêu chiến hữu, lo cho những người lính nhiều khi còn hơn cả cho bản thân ông!
Chiến đoàn 52 Bộ binh về tới tuyến mới, Ngã Ba Dầu Giây tối ngày 8-4-1975, thì ngay sáng hôm sau, mặt trận Long Khánh đồng loạt bùng nổ cả 3 nơi: Xuân Lộc, Ngã Ba Dầu Giây và vùng giáp ranh tỉnh Bình Tuy.
Cả hai Sư đoàn 6 và 7 Chủ lực quân, các Trung đoàn Pháo thuộc Sư đoàn 75 Pháo binh Cộng sản Bắc Việt từ An Lộc kéo về, mở những cuộc tấn kích vào các vị trí của quân ta ngay giữa ban ngày. Chiến thuật của chúng tại mỗi nơi vẫn là tiền pháo, hậu xung và phục kích chận viện. Ngày đầu tiên, 10-3-1975, áp lực nặng nề nhất là Bắc Xuân Lộc và vùng núi Chứa Chan, nằm ở phía Đông Xuân Lộc chừng 12 cây số, gần với ranh giới tỉnh Bình Tuy. Lực lượng bên ta, tại Xuân Lộc trong ngày đầu, ngoài những đơn vị Địa Phương quân của Tiểu khu Long Khánh, có Trung đoàn 43 và Trung đoàn 48 Bộ binh. Trung đoàn 48 Bộ binh đang nghỉ dưỡng quân tại Long Bình, trước đó đã được lệnh tới tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc, và phòng tuyến phía Đông của thị trấn này.
Cuộc chuyển quân thần tốc của Trung đoàn 48 Bộ binh cùng với tinh thần chiến đấu cao đọâ cuả đơn vị này, đã làm cho địch quân không thể tràn ngập được phòng tuyến phía Đông Xuân Lộc, vùng núi Chứa Chan trong ngày đầu như chúng đã dự định.
Tuyến phòng thủ của Chiến đoàn 52 Bộ binh dọc theo Quốc lô 20, khoảng 6 cây số về phía Bắc, và 2 cây số về phiá Nam từ Ngã Ba Dầu Giây. Khoảng từ Dầu Giây về Xuân Lộc trên Quốc lộ 1 chừng 10 cây số vẫn còn là một trục lộ an toàn. Bộ Chỉ huy Chiến đoàn, các Pháo đội đại bác 155 ly va 105 ly, các Chi đoàn M-41 và Thiết vận xa M-113 trấn đóng tại ấp Nguyễn Thái Học, cách Dầu Giây 3 cây số về phía Bắc. Tiểu đoàn 3/52 đóng chốt trên núi Sóc Lu và những cao điểm khác, làm thành vòng đai ngoài cùng. Phòng tuyến của Tiểu đoàn 1/52 ở phía Nam Dầu Giây chừng hơn một cây số. Vùng đóng quân của Chiến đoàn 52 Bộ binh trong những ngày cuối, trừ Tiểu đoàn 3, có nhiệm vụ đóng tiền đồn, đóng chốt trên các đỉnh cao, phía Bắc và Đông Bắc của Dầu Giây, tất cả đều nằm trong những đồn điền cao su bát ngát.
Chiều ngày 11-4-1975, Tiểu đoàn 2/52 được lệnh về tăng cường cho mặt trận Xuân Lộc. Vị sĩ quan Tiểu đoàn Trưởng Tiểu đoàn 2/52, Đại úy Uùt, với kinh nghiệm chiến trường, và nổi tiếng bén nhậy trong những ước tính đối với sự việc có thể xẩy ra, nên ông đã để lại dọc đường 2 Đại đội “ngủ đêm” trong vườn cao su. Trận phục kích tuyệt vời của Tiểu đoàn 2/52 đêm 11-4-1975, tiêu diệt, đốt cháy cả một đoàn xe chở quân và chở đạn của Việt cộng tại ấùp Cái Răng cách Xuân Lộc 6 cây số về phiá Tây Bắc, đã là chiến thắng cuối cùng của Chiến đoàn 52, Sư đoàn 18 Bộ binh trước khi bị tan hàng!

No comments:

Post a Comment