Tuesday, December 27, 2011

Cảm nghĩ của một người Lính về Ngày Quân Lực 19 tháng 6

. . . Người thư sinh ấy đã xếp bút nghiên
giã từ trường yêu với bao nhiêu bạn hiền
có về là khi nước non vui bình yên . . .(Biệt Kinh Kỳ)


Nửa thế kỷ qua đi thật nhanh!

Những lời ca của bài hát Biệt Kinh Kỳ như vẫn còn nghe văng vẳng bên tai mỗi khi đến Ngày Quân Lực. Nhớ lại khi tình nguyện nhập ngủ, hy sinh cuộc đời trai trẻ cho quê hương, chuyến xe lửa đưa chúng tôi từ ga Sài Gòn lên cao nguyên Đà Lạt để tôi luyện thành người chiến sĩ. Hôm đó để tiển đưa tôi, các bạn trọ học miền lục tỉnh, đứa Sa Đéc, đứa Long Xuyên, đứa Rạch Giá, đứa Bạc Liêu, đứa Sóc Trăng mỗi người đứng bên một cột đèn trong sân ga, vẫy tay từ biệt. Ánh đèn đường vàng võ soi bóng mấy đứa bạn tôi nhỏ dần và mờ nhạt trong bóng đêm. Chiếc tàu lữa mang tôi, lầm lũi, xập xình bỏ lại sau lưng Sài Gòn khi vừa lên đèn long lanh như nạm kim cương, bỏ lại những đứa bạn, bỏ lại những phòng trà, hộp đêm, bỏ lại người tôi yêu và gia đình thân quyến. Giã từ Sài Gòn! Giã từ cuộc sống dân sự! Giã từ các người thân!

Thế rồi khi còn là sinh viên Võ Bị, những năm sau đó tôi đều có mặt trong tập thể sinh viên của trường về Sài Gòn diển hành mừng ngày Quân Lực. Nỗi vui gặp lại bè bạn để có dịp kể chuyện quân trường, vui buồn đời lính. Nao nức vì được gặp lại thân nhân và được hít thở không khí Sài Gòn mà cả năm trời vắng nhớ. Ngày diển hành là niềm hảnh diện của người lính VNCH lập được chiến công lẫy lừng ngoài trận mạc. Riêng tôi, lòng lâng lâng theo từng bước chân đều nhịp theo khúc nhạc quân hành trong rừng cờ dọc đại lộ. Máu trong châu thân chảy nhanh theo từng nhịp tim dồn dập. Mắt, tai, reo vui vang vang theo nhạc quân hành. Nhưng . . . sau này khi ra trường, tôi không còn được cái may mắn, không lập được chiến công, nên không có bóng dáng tôi "giữa đoàn hùng binh có tôi đi hàng đầu, trở về thành đô nắm tay ta mừng nhau . . . (Biệt Kinh Kỳ)" Dù vậy, những hình ảnh đẹp ngày Quân Lực năm xưa như ăn sâu vào tim óc, trong huyết quản. Mớ kỷ niệm này cộng vào những kỷ niệm thời thơ ấu . . . làm giàu ký ức mà tôi đã sống qua trong đời.

Tôi xa quê hương bao nhiêu năm, quân đội ta bị bức tử từng ấy năm!

Những năm đầu nơi quê người quần quật lo cơm áo, lo gầy dựng lại từ số không, cuộc sống quá bận rộn nên không còn đầu óc nào nghĩ đến công-hầu- khanh-tướng đúng như lời người bạn của tôi thường tâm sự. Họa chăng đôi lúc chợt nhớ cuộc sống thời quân ngũ, để cảm thấy ê chề đau đớn, nhất là vào những ngày Lễ Chiến Binh Hoa Kỳ, Ngày Quân Lực, Ngày Chiến Sĩ Trận Vong, Ngày 30 tháng 4, để cảm thấy nghẹn ngào cho thân phận người lính xa quê hương, không còn quân đội! Nhưng những lúc gần đây, tôi có tham dự ngày Quân Lực và các sinh hoạt hội đoàn khi cuộc sống đã ổn định, những mong tìm lại chút kỷ niệm thời chinh chiến, tình tự đồng hương tưởng như đánh mất từ lâu. Là người lính, mặc bộ quân phục trong thời chiến là niềm hảnh diện. Nay được mặc lại bộ quân phục đã bị mất mát trong cuộc chiến, mang lại đôi giày saut đã để lại ở hải đảo Mả Lai . . . cho tôi cái cảm giác như tìm được những mảnh pha lê vỡ vụn của cuộc đời đã bị rơi rớt trong cuộc hành trình tìm Tự Do.

Tôi mặc bộ "Y phục dạo phố mùa Đông" vừa bước ra khỏi phòng. Than nóng vì cả 140 ngày trời, Houston không mưa. Đứa con trai nhìn tôi, rồi hỏi:

- Trời nóng sao ba không mặc short cho mát!

Nhìn đứa con trai mà tội nghiệp cho nó. Thế hệ bây giờ đa số không hiểu những huyền thoại của bộ quân phục mà cha ông chúng đã mặc. Cái lỗi của tôi là không giải thích cho con mình. Tôi thấy thương đứa con. Tôi thầm trách mình đã vì miếng cơm manh áo mà quên giá trị tinh thần cần truyền đạt đến thế hệ sau này, lý tưởng quốc gia dân tộc của người lính Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh để bảo vệ lá Cờ-Vàng-Ba-Sọc-Đỏ, để Nhân Quyền được tôn trọng . . . và để con cháu chúng ta thấy sự khác biệt với chủ thuyết Cộng Sản.

- Không con! Đây là bộ quân phục của ba khi xưa lúc còn là Sinh Viên Sĩ Quan trong quân đội VNCH. Dù nóng, cũng mặc, không thể thay vào quần short. Mà chiều nay ba sẽ đi diển hành, parade, đó con!

Đứa con tôi gật gù tỏ vẽ hiểu, nhưng không dấu được điều thắc mắc mà tôi đọc được trong ánh mắt.

Trời nóng lắm, rát mặt. Hơi gió càng làm khó chịu thêm.

Dù nóng gay gắt, nhưng mọi người trong ban tổ chức làm việc thật hăng say tại tượng đài chiến sĩ Việt Mỹ ở khu Bellaire, Houston. Các hội đoàn, các quân nhân mặc sắc phục theo quân binh chủng và quân trường lần lượt đến. Rừng cờ, màu sắc rực rở lung linh dưới ánh nắng chiều, pha lẫn các màu áo hoa rừng, màu trắng hải quân, màu xám áo bay của không quân, màu áo của các quân trường . . . tạo thành quang cảnh thật hào hùng sống động. Tôi nhìn xuống đôi giày đen bóng loáng, niềm vui thoáng đến, kỷ niệm năm xưa hiện về.

Gió lộng. Trời bớt nắng. Cờ bay, cờ bay. Tiếng nhạc quân hành trổi lên hùng dũng. Các đoàn quân diển hành đều bước. Dân chúng phất cờ chào đón từng bước chân của các chiến binh ngày nào. Người lính tuy già nhưng tinh thần yêu quê hương, yêu đồng đội không bao giờ chết và trong ánh mắt vẫn còn nét oai hùng. Tôi đi trong đoàn "người" diển hành hôm đó. Lòng bồi hồi khi nghe tiếng vỗ tay của bà con đồng hương, cờ xí phất phơ trong gió chiều. Dù ở xa nữa vòng quanh trái đất, dù thời gian cách nhau cả nửa thế kỹ nhưng tôi cứ tưởng như đang diển hành trên đại lộ Thống Nhất năm xưa. Lòng lâng lâng. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy dáng đứa con trai của tôi cười thật tươi, vẫy vẫy lá cờ vàng ba sọc đỏ, reo hò khi tôi đi qua. Tôi cảm thấy tê dại, vui đến chảy nước mắt. Gót chân tôi nện mạnh trên đường. Tôi đi đứng cao thẳng hơn. Tay vung mạnh hơn. Nắm tay siết chặt hơn. Tiếng nhạc quân hành nghe như vang vọng hơn . . . và cảm như đôi mắt đứa con tôi hảnh diện theo dõi từng bước của cha mình.

Tham dự ngày Quân Lực năm nay, tôi bắt gặp bao nhiêu là hình ảnh thân thương: như người chiến hữu khập khiểng đẩy thùng ước lạnh cho bà con giải khát; hình ảnh các chị trong hội "trại gia binh" đi vòng quanh quyên tiền để trang trải các chi phí và lo phần ẩm thực cho mọi người tham dự; hình ảnh những quân nhân, bà con đồng hương đốt nén hương để tưởng nhớ những vị tướng anh hùng tuẫn tiết. Tôi nghe những tiếng ca vang vang trong gió những bài ca hùng hồn đã in sâu vào huyết quản của người chiến sĩ VNCH. Tôi bắt gặp những cặp mắt đầy tình yêu thương của bà con giành cho các người lính già, những cái siết tay đầy tình tự chiến hữu . . . tôi gặp lại nhiều thứ tưởng chừng như đã bị đánh mất từ lâu. Và đặc biệt tôi đọc được niềm hảnh diện của con tôi vì là con của người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Bao nhiêu năm qua đi, dù quân đội bị bức tử, nhưng tinh thần của các người lính đã một thời gìn giữ quê hương không hề suy giảm. Dù bao năm bị giam cầm nơi sơn lam chướng khí khắp các trại tập trung Bắc-Trung-Nam, mà bọn VC gọi là "học tập cải tạo", tuy đói khổ, bệnh tật, nhưng người lính VNCH vẫn kiên cường với ý chí sắt son không để bọn quỷ Đỏ nhồi sọ với mớ tà thuyết. Bước chân các người lính năm xưa, có mỏi mệt; thể chất có suy giảm, nhưng tinh thần chống Cộng vẫn kiên cường. Gặp lại các bạn nơi đây, trong ngày vui Quân Lực năm nay nhưng không biết mai đây có còn gặp lại nhau nữa không, nên tôi cầu cho các bạn được nhiều sức khỏe và luôn luôn hảnh diện mình là người lính VNCH.

Nhìn các chị, trình diển văn nghệ giúp vui, phân phối thức ăn nước uống, quyên góp tiền để trang trải các chi phí, trong số quan khách, trong số dân chúng tham dự, trong quân phục, trong chiếc áo dài tha thướt . . . làm chúng tôi thêm ấm lòng, vì lúc nào cũng có các chị bên cạnh. Trong thời chiến, các chị luôn bên chúng tôi như người tình, người vợ, người chiến hữu. Các chị là chiếc bóng bên chúng tôi chia sẻ nỗi vui buồn, là người bạn đồng hành giúp nhau khi hữu sự, sống chết có nhau. Khi chúng tôi bị tù đày, các chị thay chồng nuôi con, vượt ngàn trùng vạn lý mang chút hơi ấm, chút hy vọng để chúng tôi sống chờ ngày đoàn tụ. Nơi đất khách quê người, các chị làm việc hơn cả chúng tôi để cùng nhau xây lại mái ấm gia đình, đùm bọc qua những ngày Đông hàn lạnh lẽo. Các chị là những bà mẹ Việt Nam mà bao nhiêu bài hát, bao nhiêu lời ca tụng vẫn không diển tả hết. "Đóa Hoa Hồng" là biểu tượng, là mỹ danh mà chúng tôi tặng các chị với tất cả nét mỹ miều và sắc đẹp nhiệm mầu.

Trời về khuya, khói hương vẫn còn nghi ngút trên bàn thờ. Bàn thờ kia, nén hương kia không chỉ để tưởng nhớ đến năm vị Tướng đã tuẫn tiết, mà còn để tưởng nhớ đến các bạn, những chiến sĩ đã vùi thây nơi chiến địa, đã gởi nấm xương tàn nơi sơn lam chướng khí. Các anh là Các anh hùng liệt sĩ vô danh!

Khói hương nghi ngút tỏa rộng, lên cao cao mãi và tan loãng trong không gian. Các anh đâu đó ở trên cao vui cùng chúng tôi đêm nay, bởi hôm nay là Đại Lễ. "NGÀY QUÂN LỰC" này không để gắn huy chương cho ai, không để tuyên dương công trạng cho ai, nhưng để nhúm lại ngọn lửa lòng của người chiến sĩ nay đã về già, và để truyền lại ngọn đuốc lý tưởng của người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đến thế hệ con cháu. Những mong với sở học, lòng yêu chuộng Tự Do, Nhân Quyền, Nhân Bản, một ngày nào các cháu sẽ trở về quang phục quê hương thay cho thế hệ cha ông đã bị bức tử nên đành bỏ nước ra đi.

Trăng vẫn chưa lên, dù chiều đã xuống từ lâu. Vòm trời trang điểm vạn ngàn vì sao, như những đóm mắt hỏa châu trong đêm truy lùng địch, như những ánh mắt của các anh, người chiến binh QLVNCH đang chia xớt niềm vui với chúng tôi trong ngày Quân Lực. Đêm về khuya, những bài ca hùng, những bài ca về lính, những bài hát ca ngợi tình người đồng vọng, vượt không gian và thời gian. Các anh có nghe không những bài ca quen thuộc trong chương trình Dạ Lan thuở nào, để các anh bớt cô đơn nơi tiền đồn hẻo lánh? Các bài ca đó có làm các anh nhớ những ngày Quân Lực năm xưa của một quân đội hùng mạnh nhất vùng Đông Nam Á hay không?

Tôi muốn viết cảm nghĩ mình ngày hôm nay, như lời cám ơn bà con đồng hương, cám ơn những người đã đứng cùng chiến tuyến và mong đừng vì những bất đồng, bất hòa, mà quên đi mục tiêu tối hậu là đoàn kết để chống lại kẻ thù chung Cộng Sản. Ngày xưa trong quân ngũ, chúng ta được khuyên bảo là người quân nhân không làm chính trị vì có chính quyền chính thể, nhưng nay thể chế VNCH đã bị bức tử, thì thử hỏi nếu chúng ta không dấn thân trên chính trường, thì trọng trách này AI SẼ GÁNH VÁC?

Tôi muốn san sẻ tâm tình này trong ngày Quân Lực năm nay mà chúng ta luôn hảnh diện là "NGƯỜI LÍNH GIÀ VNCH KHÔNG BAO GIỜ CHẾT"!

Phạm Văn Hòa
Houston, Ngày Quân Lực, 2011

No comments:

Post a Comment